Thuyết minh về chiếc nón lá

Thuyết minh về chiếc nón lá

Thuyết minh về chiếc nón lá – Thuyết minh về chiếc nón lá Việt Nam

Trong đời sống của con người Việt Nam, chiếc nón lá không thể thiếu được với những người phụ nữ. Chiếc nón là như là một phụ kiện quan trọng làm tăng lên vẻ đẹp của người phụ nữ trong tà áo dài truyền thống. Hay đơn giản hơn, chiếc nón lá còn gắn liền với đời sống hằng ngày của người phụ nữ trong chiếc áo bà ba, ra đồng sớm hôm chịu nắng dầm mưa, làm chiếc quạt mát những lúc trời oi bức, xua đi cái nóng cái mệt mỏi thường ngày.

Thuyết minh về chiếc nón lá
Thuyết minh về chiếc nón lá

Hình ảnh chiếc nón lá quen thuộc với người Việt Nam với dạng chóp nón. Nón lá được làm từ nguyên liệu chính là lá cọ hoặc lá buông, lá mật cật, bên cạnh đó là những thành phần không thể thiếu khác như chỉ tơ, sợi gân, khung tre. Thoạt nhìn, nón lá có cấu trúc đơn giản nhưng để làm ra được sản phẩm hoàn chỉnh đòi hỏi người làm nón phải có đôi tay thật khéo léo, tỉ mỉ.

Công đoạn đầu tiên chính là tạo phần khung nón từ cọng tre được vuốt nhẵn nhưng mềm dẻo, có thể uốn cong mà khó bị đứt gãy. Khung nón quan trọng vì nó sẽ tạo thành hình dáng của nón. Vành nón có chức năng nâng đỡ toàn bộ khung nón. Người mua thường ưu tiên chọn những chiếc nón lá có khung vành cứng cáp, vì điều này khiến cho chiếc nón dùng bền hơn. Những khung tròn tiếp theo lên đến đỉnh nón không cần phải cứng cáp, so với vành nón cần mỏng nhẹ hơn, nhằm để cho chiếc nón không quá thô cứng.

Phần tiếp theo là lớp lá đan (chằm) theo khung nón. Lớp lá được người thợ tỉ mỉ đan xen với hai lớp. Trước khi đan lá, người thợ phải lựa chọn lá cọ non, chọn loại lá nguyên vẹn, không bị rách hay sâu, sau đó đem đi phơi nắng cho thật kỹ, để lá khô lại và có màu trắng đẹp. Sau khi đan một lớp lá cọ, người thợ sẽ lót một lớp mo nang. Mo nang từ tre, nứa phải được phơi khô, kỹ càng. Sau đó, đan lớp lá cuối cùng vào nón. Trong quá trình làm khung, đan nón, người thợ cố định các thành phần bằng các sợi gân.

Tiếp đến, người thợ trang trí thêm trên chiếc nón bằng những hình ảnh, chữ thêu bên trong và bên ngoài nón. Phần quai nón hai bên được đan bằng các sợi len màu, để người dùng buộc dây mang nón vào. Thông thường, trong nhà sẽ được dự trữ 2-3 chiếc nón lá, chiếc nào dùng để đi chợ, đi hội hay đi đám, người phụ nữ thường dùng tấm vải lụa đẹp cột vào quai để mang nón. Chiếc nào dùng để đội ở nhà hay đi ra đồng, vườn thì chỉ cần cột dây hay tấm vải thun bình thường.

Hơn nữa, để cho chiếc nón thêm bền hơn, tránh những vết trầy xước, hay để nón không bị thấm nhiều nước mưa, người thợ bọc chiếc nón với lớp áo mủ mỏng bên ngoài nón. Ngoài ra, để cho chiếc nón trong bóng bẩy, bền màu của lá cọ, người thợ còn phủ lên bên ngoài lớp lá (sau khi chằm xong) một lớp dầu bóng. Dầu bóng này có thể là nhựa thông được pha với cồn.

Sự chuẩn những nguyên liệu trong chiếc nón lá rất quan trọng. Nếu các thành phần không được sơ chế, chuẩn bị tốt, lá bị móc, không phơi khô hay dây gân quá to, bị mục thì sẽ ảnh hưởng đến thẩm mỹ của chiếc nón, hơn nữa chất lượng của chiếc nón cũng bị giảm sút.

Mang đặc trưng từ nhiều vùng miền, nón lá ở mỗi vùng cũng mang những nét tiêu biểu riêng từ chính nguyên liệu, cách chằm nón,…. Làng nghề nón lá tiêu biểu được biết đến như Làng Chuông, Huế và Tây Nam Bộ.

Nón lá Làng Chuông được làm từ lá cọ, mây tre, những nguyên liệu này được lựa chọn kỹ càng từ những nơi khác, chứ không dùng tại phương. Nón lá Làng Chuông có 16 vòng, nón bền chắc nhưng đảm bảo về độ mềm dẻo, thanh mỏng, tôn lên nét đẹp của người phụ nữ khi mang nón.

Nhắc đến Huế, hình ảnh dịu dàng của người con gái xứ Huế luôn làm xao xuyến mỗi người khi có dịp đến thăm. Nón lá cũng thế, nó mang cả nét đẹp dịu dàng, mềm mại, trong từng khâu chằm nón đến hoàn thành. Khác hẳn só với nón là ở vùng miền khác, nón lá Huế thanh mảnh, mỏng nhẹ hơn hẳn, nhưng vẫn đảm bảo về độ bền chắc của nón. Nét đặc trưng khác của nón lá Huế chính là những hình ảnh, câu thơ luôn có trên nón, tô lên vẻ đẹp dịu dàng, thơ mộng của người con gái xứ Huế.

Nón lá ở vùng Tây Nam Bộ được làm từ lá cây mật cật và trúc để làm khung nón. Trước đây, nón được làm 15 vòng, nhưng vì thị yếu của người dùng, nón được làm thành 16 vòng. Nón được chằm chắc nịch hơn so với nón Huế, nhưng vẫn tôn lên vẻ đẹp dịu dàng của người phụ nữ.

Nhưng nhịp sống hiện đại, nón lá không còn được sử dụng rộng rãi trong đời sống. Đa phần được dùng chủ yếu ở các vùng nông thôn hay trong các dịp lễ hội. Nhưng không vì thế mà chiếc nón lá mất đi, mà nó lại trở thành một điểm thú vị, thu hút nhiều khách du lịch, một nét văn hoá truyền thống của Việt Nam, không bao giờ thay đổi được.