Trần Tâm là ai ? | Hỏi gì?

ta_dao_tran_tam.jpg

Trần Tâm – kẻ tự xưng tu sĩ Phật giáo lợi dụng thuật ngữ truyền tâm ấn của Thiền Tông để đánh lạc tín đồ.

Tán gia bại sản, gia đình lục đục vì tà đạo Ruma Trần Tâm

>Cảnh giác với việc “thọ tâm ấn” của Trần Tâm

>TT Thích Chân Tính giải đáp thắc mắc của Phật tử về ‘minh sư’ Trần Tâm

Đến khi ra Hà Nội, được vài Phật tử dắt đến quán chay của Đạo Sư Ru Ma ( Tên khác của Trần Tâm), tôi mới tá hoả. Vì đây là một dạng tà đạo được truyền bá thông qua hình thức quán chay như Thanh Hải Vô Thượng Sư. Cũng là một dạng tà đạo tương tự, cùng quảng bá pháp môn thiền ánh sáng của đạo Sikh, nhưng không chấp nhận nhau vì tranh giành ảnh hưởng. Được gọi là pháp môn Diệu Âm.

Cũng như Thanh Hải, Trần Tâm là một người thế tục, cầu pháp với giáo sĩ đạo Sikh, rồi vọng ngôn chứng thánh. Dùng hình thức Phật giáo, bằng cách thuyết giảng cách kinh điển Đại Thừa một cách lẫn lộn, tự đắp y Tỳ Kheo của các tông phái Phật giáo. Thỉnh thoảng có mặc giáo phục của tu sĩ Thiên Chúa Giáo, đánh đồng Niết bàn và Thiên Đường; Chúa với Phật, tự xưng mình là Thượng đế cao hiện cả Phật để phỉnh dụ quần chúng.

Bằng sự si mê của một bộ phận Phật tử, Trần Tâm lợi dụng thuật ngữ truyền tâm ấn của Thiền Tông để đánh lạc tín đồ. Hễ ai được sư phụ truyền tâm ấn rồi, không cần phải tu nữa. Chỉ niệm thần chú tên sư phụ Ru ma thay vì các chú ngữ Phật giáo khác. Nếu đã theo đạo sư Ru Ma thì không được thắp nhang thờ cúng ông bà, vì thắp nhang thì cửu huyền sẽ bị hỏa thiêu nơi luyện ngục. Tất nhiên là không cần thờ Phật. Chỉ treo hình Trần Tâm hoặc đeo hình Trần Tâm là đủ. Bằng lý luận ngây ngô, dễ dãi ấy, nhiều Phật tử cả tin qua Campuchia để được truyền tâm ấn. Than ôi, lòng dục không bỏ, học đạo chưa xong, lại lũ lượt vọng ngôn chứng thánh, dắt nhau vào địa ngục. Sở dĩ Trần Tâm phát triển được ở Campuchia là nhờ chiêu bài từ thiện.

Nếu theo Trần Tâm, tất nhiên Phật tử chỉ tin vào sự cứu rỗi của đạo sư Ru ma, không màng đến nhân quả nữa. Như vậy, chính Trần Tâm đang âm thầm phá hoại Phật giáo và dẹp bỏ truyền thống thờ cúng tổ tiên của người Việt. Đó là một đứa con lạc loài và sản phẩm tâm linh của y tạo ra là tôn sùng cá nhân và sống vong bản.

Rất nhiều gia đình Phật tử vì ham chạy theo hình thức bên ngoài như thế mà tan nhà nát cửa. Đạo Phật là đạo vô ngã. Học đạo, tu đạo, chứng đạo và hành đạo đều ở nơi bình thường. Nên không có gì bí mật, huyễn hoặc cả. Kinh Pháp Hoa nói:” Lìa kinh một chữ, tức đồng ma thuyết”. Lại nói: “ Nếu tự nói dối chứng thánh tức đại vọng ngữ”. Nghĩa là những ai dạy chúng ta tôn thờ tự ngã, thần thánh hoá cá nhân đều cách xa với đạo. Bằng khởi tâm hướng ngoại là Phật tử đã rơi vào đường tà. Xưa nay trong Phật giáo không hề có sự truyền thừa nào trái với giới- định – tuệ. Sự quảng cáo bằng truyền thông, chỉ thuyết phục những Phật tử thiếu suy xét. Thật đáng thương hơn là đánh trách.

Trần Tâm là ai? Chỉ là một tay tà sư bịp bợm lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của quần chúng, dựa vào Phật giáo để phá hoại đạo Phật, như Long Hoa Hội, Tịnh Vương Nhất Tông, Thanh Hải Vô Thượng Sư, Thiền Vô Vi, Thiền Nhân Điện, Thiền Mở Luân Xa, Pháp Luân Công ( Lý Hồng Chí tự xưng là Phật)… Nhất định Phật tử chúng ta phải cảnh giác.

Không thể nào nấu cát muốn thành cơm. Cảnh giới vô tu vô chứng của Bồ tát đẳng giác đâu thể cho hạng phàm phu tục tử thuyết. Muốn xây nhà phải làm cái móng thật chắc. Đó là giữ tròn tam quy ngũ giới và tin sâu nhân quả. Không thể có một kinh nghiệm giác ngộ nào xảy ra quá dễ dàng nếu hành giả không chịu kham nhẫn mọi nghịch duyên thuận cảnh. Như chư tổ nói:

“Nếu chẳng một phen sương lạnh buốt Hoa mai đâu dễ ngưởi mùi hương”.

Ngay cả khi Đức Phật Niêm hoa thị chúng, cũng không phải truyền cho ngài Ca Diếp gì ngoài sự ấn chứng, đó là dĩ tâm truyền tâm, khi tâm của thầy trò tương ưng với nhau. Nếu thầy Ca Diếp, không liễu ngộ thì Đức Phật dẫu có giơ ngàn đóa sen lên cũng vô ích. Nếu đạo ở cành sen thì thiền sư Câu Chi đâu cần chặt ngón tay chú tiểu để khai thị. Vì mỗi lần có người đến hỏi: “ Đạo là gì?” Câu Chi đều giơ ngón tay lên, nên chú tiểu bắt chước. Đến chỗ “ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt” há là chỗ cho kẻ còn tham đắm danh văn lợi dưỡng như Trần Tâm nói ư? Đó là lỗi tại người học ưa lý luận cao siêu mà chẳng có tí gì căn bản.

Hãy là chính mình. Khi chúng ta biết chấp nhận và từ bỏ chính mình, thì chắc chắn sẽ đi đúng con đường giác ngộ. Hãy tự hỏi lòng mình với câu thoại:” Ta là ai?” Còn vướng mắc là còn chấp, chưa buông bỏ được. Đừng ham lý luận nhiều. Đừng chạy theo những hình thức mục ruỗng để hối hận muôn đời.

Chí Ngu