“Giã cào bay” | Hỏi gì?

Xin được nói ngay, đó là cụm từ mà những ngư dân vùng biển Trung Bộ dùng để chỉ những tàu giã cào có công suất lớn từ 90CV trở lên, đánh bắt theo phương thức “tận diệt” nguồn lợi thủy hải sản.

Nghề giã cào vốn là một nghề truyền thống của ngư dân vùng biển ngang. Tuy nhiên, giã cào truyền thống chỉ là những chiếc thuyền nhỏ của ngư dân nghèo, đánh bắt ven bờ và quanh quanh vùng lộng. Ở một số vùng biển, kể cả những thuyền nhỏ này cũng bị hạn chế hoạt động, với những quy định về mắt lưới, về thời gian và địa điểm khai thác.

Những tàu giã cào có công suất lớn mới xuất hiện những năm gần đây, vì công suất lớn, tốc độ cao nên gọi là “giã cào bay”. Những tàu này chỉ được cấp phép đánh bắt ở ngoài khơi và ở một số vùng biển nhất định. Nhưng vào mùa cá nam hằng năm (từ tháng 7 đến tháng 10 âm lịch), khi mà các loài thủy hải sản vào gần ven bờ và vùng lộng để sinh sản, thì những tàu “giã cào bay” đã bất chấp quy định, “ép sát bờ” để nhanh chóng “vơ vét” tận thu triệt để các nguồn lợi. Với tốc độ lớn, khai thác kiểu “chụp giật”, “vơ vét” như vậy, lợi ích mà các tàu này thu lại rất lớn. Theo một số chủ tàu, chỉ cần một chuyến đi biển trong ngày, có tàu đã thu được từ hàng trăm triệu đồng.

Từng chứng kiến những chủ tàu sau chuyến giã cào về, nhận những cọc tiền và xếp đầy lên mặt bàn nước trước mắt, bỗng dưng chúng tôi cảm thấy “rùng mình”.

Vì lợi ích trước mắt, họ bất chấp cả việc tận diệt mọi nguồn lợi của biển, chính là nơi sinh kế lâu dài của họ và con em họ.

Một chủ tàu có bốn cặp tàu giã cào công suất lớn tại vùng biển Sa Huỳnh, Quảng Ngãi mà chúng tôi có dịp gặp gỡ trò chuyện trong chuyến thực tế vừa qua cho biết, tàu giã cào bay có “hiệu quả khai thác” rất cao bởi tàu đi tới đâu thì hầu như không còn con gì ở đó có thể thoát khỏi. Tất cả các loài thủy hải sản lớn bé đã chui vào lưới giã cào là bắt hết.

Khai thác ở ven bờ và vùng lộng, các tàu giã cào công suất lớn ấy đã làm tổn hại nghiêm trọng nguồn lợi thủy sản trong mùa sinh sản. Thậm chí, hơn thế nữa, tàu giã cào bay còn có thể kéo phăng tất cả mọi thứ trong lúc hành nghề, trong đó có cả những lưới rê, dây câu của những ngư dân nghèo. Vì vậy, ở các vùng biển phía nam Trung Bộ, “giã cào bay” còn là nỗi hãi hùng của ngư dân nghèo làm nghề biển theo phương thức truyền thống. Khi các lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý thì những tàu giã cào bay luôn có thái độ chống trả, coi thường luật pháp và vì vậy cũng luôn xảy ra xung đột, gây mất an ninh trật tự trên biển.

Tại phiên họp HĐND tỉnh Bình Thuận vừa qua, các đại biểu chất vấn về việc vì sao các tàu giã cào bay vẫn ngang nhiên hoành hành khá lâu mà không có sự can thiệp quyết liệt của các cơ quan quản lý. Thậm chí, các đội tàu giã cào còn có hành vi theo dõi ngược lại các hoạt động tuần tra, giám sát trên biển của lực lượng chức năng. Có đại biểu đặt câu hỏi: có hay không việc “bảo kê, bao che” cho các tàu giã cào bay hoạt động? Những câu hỏi như vậy, tuy chỉ đặt ra ở một địa phương và có phần yếu ớt, lại hết sức cần thiết đối với tình trạng chung không chỉ của một tỉnh, một vùng biển. Thực tế, vấn đề khai thác các nguồn lợi thủy sản một cách bừa bãi, tận diệt, thậm chí nguy hiểm đã xuất hiện và tồn tại thời gian khá dài trên nhiều vùng biển của cả nước.

Cũng giống như người nông dân trên đồng ruộng, gặt mùa này lo gieo hạt cho mùa sau, thì ngư dân đánh bắt trên biển, họ nghĩ gì đến ngày mai, khi mà các nguồn tôm cá đã bị tận diệt? Họ có khi nào nghĩ rằng, một ngày con cháu họ dong những chiếc tàu công suất lớn và hiện đại ra biển, nhưng không còn gì để đánh bắt?

Việc quản lý nguồn lợi thủy hải sản trên biển không chỉ trông chờ mỗi ý thức của người dân. Rõ ràng, ở đây, bên cạnh việc cần kíp ban hành những quy định về pháp lý đủ mạnh, thì vai trò, trách nhiệm của chính quyền, các cơ quan quản lý, chức năng cần phải được làm rõ.

Cũng chính vì vậy, tại cuộc họp nói trên, trước những chất vấn của các đại biểu HĐND tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận đã cho biết, sẽ kiến nghị tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tiến tới ban hành quy định cấm giã cào bay trên cả nước ngay trong tháng này.

Đó thực sự là một vấn đề cần làm ngay để giải quyết vấn nạn “giã cào bay’, kịp thời bảo vệ nguồn lợi của biển, bảo đảm lợi ích kinh tế lâu dài.

“Giã cào bay”

Tàu “giã cào bay” tận diệt hải sản.