SNKRVN | Hỏi gì?

Richard Saturnino Owens – hay còn gọi là Rick Owens, đã biến phong cách gothic grunge với vẻ đẹp tăm tối, chủ nghĩa post – apocalyptic (tạm dịch: hậu tận thế) ít ai quan tâm trở thành một xu hướng thời trang nổi tiếng toàn cầu. Đặc biệt là chiếc áo khoác da gắn liền với tên tuổi của ông. Từ một chiếc áo khoác da bình thường hầu như bất kỳ công dân Mỹ nào cũng có, ông đã biến nó trở nên đặc biệt và thành một item iconic của giới thời trang. Bên cạnh dòng sản phẩm thời trang chính, Owens còn có một thương hiệu nội thất và một số dòng thời trang phụ như: Drkshdw, Rickowenslilies và Hunrickowens.

Trong ngành công nghiệp thời trang muôn màu như hiện nay, thật khó để tìm được một cá tính độc đáo như Rick Owens. Người đàn ông sinh ngày 18/11/1962 tại một thị trấn nhỏ ở Cali. Ông là con một, có bố là một nhà hoạt động xã hội đã nghỉ hưu, mẹ là giáo viên, đồng thời là một thợ may lành nghề. Theo Independent, lúc bé, Owens theo học tại một trường thuộc Công giáo và đó là khoảng thời gian không mấy êm ả đối với tuổi thơ ông. Ông tâm sự, “Tôi đã từng rất ốm yếu, cực kỳ nhạy cảm và luôn được bố mẹ bao bọc. Điều này đã khiến cuộc sống của tôi khó khăn hơn, vô cùng khó khăn. Tôi luôn nghĩ đám trẻ cùng lớp rất xấu xa và tăng động, chúng như động vật. Nghĩ về chuyện này càng khiến tôi tức giận khi chẳng có đứa trẻ ngoan nào ở trong môi trường đó…”

Nói với giọng điệu không mấy thoải mái nhưng tất cả sự khác biệt giữa Owens và bạn cùng lớp chẳng là gì so với sự thật ông bị bố mình cấm xem tivi đến năm 16 tuổi. Tuổi thơ không diễn ra như những đứa trẻ đồng trang lứa. Thay vì chìm đắm trong các chương trình truyền hình hay ca nhạc trên tivi, ông nghe nhạc và đọc sách. Một số nghệ sỹ ông hay nhắc đến như Wagner, Mahler… Còn các tác giả sách có thể kể đến như Aristotle, Confucius, Karl Huysmans, Pierre Loti. Họ đều là những người đã bên cạnh Rick Owens trong suốt quãng thời gian tuổi thơ của ông.

Như lời của Owens, “Quan hệ giữa tôi và bố mẹ khá mâu thuẫn. Họ đều tuyệt vời trong mắt tôi. Mẹ luôn quan tâm tôi nhưng đôi lúc bà vô cùng khó hiểu. Còn cha tôi cực kỳ ghét người đồng tính. Có thể nói ông ấy cực kỳ phân biệt chủng tộc. Ông ấy luôn đem quan điểm chính trị vào tất cả mọi thứ. Tuy lối sống và quan điểm ông có vẻ tiêu cực, nhưng ông luôn dành hết tình yêu và tâm huyết trong mọi việc. Rất khó để ai đó có thể đoán được ông ấy đang nghĩ gì.Và đây là môi trường tôi đã lớn lên.” Chịu nhiều áp lực và điều khiển từ bố, nhưng điều ấy đã khiến Rick Owens trở thành hình tượng như hiện nay. Từng bị kiểm soát nghiêm ngặt, sau đó lại bất trị muốn thoát khỏi những gông xiềng ấy, để rồi giờ đây, khi đã trải qua tất cả, Rick Owens muốn mình ở trong một khuôn khổ nào đó.

Owens từng học mỹ thuật tại Otis College of Art and Design nhưng đành dở dang chỉ sau hai năm vì không thể chi trả học phí. Một phần cũng vì ông nghĩ chuyên ngành này không có tương lai cho nghề nghiệp sau này của mình. Cuối cùng, ông chuyển sang học một khoá cắt may nhằm kiếm được công việc ổn định. Gánh nặng mưu sinh buộc ông phải làm mọi thứ thậm chí cả việc sao chép thiết kế của người khác.

Năm 1994, Rick Owens bắt đầu thương hiệu thời trang của riêng mình. Những sản phẩm của ông được bán độc quyền tại Charles Gallay, một trong những nhà bán lẻ thịnh hành và nổi tiếng thời điểm ấy. Vào năm 2001, tên tuổi của ông được quốc tế biết đến nhiều hơn. Ông đã dánh dấu vào sự nghiệp của mình cùng Eo Bocci Associati với một hợp đồng phân phối độc quyền.

Rick Owens chỉ thật sự đánh dấu cá tính của mình vào làng thời trang thế giới sau khi Vogue Pháp có hình ảnh của Kate Moss mặc một trong những chiếc áo khoác da của Owens. Ngay lập tức ông biết đây là thời cơ của mình và tận dụng ngay nó không chút đắn đo. Với sự trợ giúp của Anna Wintour và Vogue Mỹ – tạp chí đình đám này đã giúp đỡ show diễn thời trang đầu tiên của Owens tại New York Fashion Week Xuân-Hè 2002. Cùng năm, ông cũng đảm nhận vị trí Giám đốc nghệ thuật tại Revillon – một công ty chuyên về các loại lông được thành lập từ năm 1723. Làm việc và sản xuất tại Châu Âu đã tạo động lực khiến ông di chuyển từ Log Angeles đến Paris để tiếp tục công việc của mình. Và tại đây chính là nơi ông đã tìm thấy tình yêu, nàng thơ của đời mình.

Người phụ nữ có thể khiến người đàn ông dị biệt này rung động cũng tài năng không kém. Bà lớn hơn Rick Owens đến 17 tuổi. Sinh ra và lớn tên tại Pháp trong giai đoạn Thế chiến thứ hai, quan điểm sống và cá tính mạnh mẽ của Lamy đã gây ấn tượng mạnh mẽ cho Rick Owens. Khi đối mặt với mọi thứ trong cuộc sống, bà thường thầm nhắc câu thần chú, “Luôn luôn khiến người khác phải ngạc nhiên.” Chính điều này đã tạo nên một người phụ nữ có con mắt tinh đời và nhạy bén hiếm thấy trong lĩnh vực thời trang. Hơn 20 năm bên nhau, Rick Owens và Michele Lamy đã luôn ăn ý và sát cánh bên nhau. Họ không chỉ là cặp tình nhân, vợ chồng, mà còn là tri kỷ và cộng sự với những ý tưởng điên rồ của mình.

Cả hai có bề ngoài tỏ ra khá đối lập nhau nhưng thực chất lại vô cùng thấu hiểu nhau. Cả hai đều có tuổi thơ không mấy êm đềm và gặp nhiều khó khăn riêng. Michele sinh ra và phải đấu tranh để sống trong những làn đạn của Thế chiến thứ hai. Rick Owens lại bị kiềm cặp bởi những giáo huấn và luật lệ nghiêm khắc của gia đình. Nhờ những gì trong quá khứ đã tôi luyện nên hai con người mạnh mẽ và cá tính của giới thời trang hiện nay.

Trong khi Michele luôn đầy năng lượng và nhiệt huyết truyền cảm hứng và kết nối những người thợ tại xưởng làm việc. Rick Owens vẫn còn ngại ngùng khi giao tiếp với người khác và chỉ tập trung phát triển nên các ý tưởng của mình, tạo nên nguồn cảm hứng bất tận cho mọi người xung quanh. Trong một cuộc phỏng vấn tại Artnet, Rick Owens tự bộc bạch, “Tôi không giỏi trong việc tranh luận.” “Tôi thường để những gì tôi làm ra xung quanh nhà, nếu Michele chú ý với thứ gì đó. Tôi biết nó sẽ thành công.” “Cô ấy là một nhân tố không thể bị nhầm lẫn hay trùng lặp với ai” – ông tự hào khi nói về người phụ nữ của mình.

“History of the damage” – “Lịch sử của những tổn thương” luôn là chủ đề của các tác phẩm Rick Owens tạo nên. “Chắc chắn là như thế. Từ việc tìm hiểu những điều đó, tôi cũng học được cách chấp nhận bản thân mình. Tôi không còn tự trách bản thân mình nữa sau những sai lầm như thuở còn trẻ. Tôi không tự trách bản thân vì đã không hoàn hảo. Mọi thứ xảy ra đều có lý do nào đó. Tất cả đều ổn. Tôi ổn và tôi chấp nhận bản thân mình không hoàn hảo. Quan trọng hơn, tôi không cần phải cố gắng để đạt được sự hoàn hảo viễn vông này. Và tôi mong muốn những người khác cũng đừng quá cầu toàn như tôi.”

“Chúng ta là những con người đã được trao cho cơ hội để sáng tạo và bộc lộ cá tính bản thân. Đây là thời gian cho việc đọc sách, khám khá và tìm lại bản thân bản. Đặc biệt chúng sẽ như một tấm gương phản chiếu cho bản thân bạn sau này, hiện tại này chính là hỉnh ảnh đối lập của tương lai bạn.” “Đây là một vũ trụ thu nhỏ của tôi. Tôi đang xây dựng nên một nơi mà tôi hy vọng ở đó, mọi người hay những kẻ ngoài cuộc khác đều cảm thấy được chào đón.”, Rick Owens từng bày tỏ. Sau nhiều năm sáng tạo trong ngành thời trang, Owens thường nói về các sản phẩm của mình như “kỳ dị”, “dị hợm” và một số tính từ có phần tiêu cực khác. Thực tế là Owens không hề muốn tạo ra một không gian riêng biệt. Ông không tạo ra một hành tinh cô độc, tạo khoảng cách với mọi người. Vũ trụ nhỏ của Owens ở đây, đó, ở khắp mọi nơi.

Rick Owens luôn khiến người khác ngạc nhiên vì tài năng của ông đưa sự khác biệt vào các phong cách hằng ngày. Các sản phẩm của ông nổi tiếng với các cấu trúc được sáng tạo trong những dáng hình hoàn toàn mới lạ. Chúng vừa tăm tối, vừa quyến rũ và vô cùng ý nghĩa khi được mặc và khoác chúng lên người. Tôi không thực sự quan tâm đến quần áo, đặc biệt là quần áo cho chính tôi.

Tôi không bao giờ mua đồ cho riêng bản thân mình. Owens nhắc đến Jean-Michel Frank – một nhà thiết kế nội thất, có đến bốn mươi bộ suit xám flannel giống hệt nhau trong tủ. Owens luôn nghĩ đó là đỉnh cao của sự khiêm nhường và khoa trương cùng một lúc. Và ông rất thích điều này.

Một điều đáng chú ý khác trong bối cảnh thay đổi nhanh đến chóng mặt của ngành thời trang, Rick Owens đã thay đổi nhiều quan điểm ăn mặc của chúng ta: tăm tối hơn, dài hơn và táo bạo hơn. Rick Owens xuất hiện đồng thời ở mọi ngóc ngách (một tác phẩm điêu khắc bản thân ông tại Selfridges, London và trong một cửa tiệm ở Hongkong) trong khi các sản phẩm của ông lại đại diện cho một lối sống tốt hơn, đề cao cái tôi cá nhân độc đáo của mỗi người.

“Mỗi bộ sưu tập tôi làm đều là những gì đang diễn ra bên trong tôi.” “Tôi chỉ phải tháo gỡ và chỉnh sửa, tìm ra được ngọn ngành và làm sạch những thứ không liên quan nó. Tất cả đều sẽ hiện ra rõ rệt ở đó.” Từ những triết lý của riêng mình, Rick Owens đã tạo nên một trào lưu mới và xây dựng đế chế của ông. Nhiều người nổi tiếng như Madinna, Rihanna, A$SAP Rocky hay Justin Bieber đều là những khách hàng trung thành của ông.

Bình luận