minh sư trần tâm là ai | Hỏi gì?

nguoiphattu_com_tan_gia_bai_san_gia_dinh_luc_duc_vi_ta_dao_ruma_tran_tam0.jpg

Trần Văn Tâm còn được gọi là Master Ruma hay là “minh sư” Trần Tâm.

>Cảnh giác với việc “thọ tâm ấn” của Trần Tâm

>TT Thích Chân Tính giải đáp thắc mắc của Phật tử về ‘minh sư’ Trần Tâm

Việt Nam là một quốc gia gắn liền với những phong tục, tập quán, tín ngưỡng rất lâu đời như đạo thờ cúng tổ tiên, ông bà. Các tôn giáo ngoại lai đã du nhập vào nước ta từ rất lâu và phát triển mạnh mẽ nhất là Phật giáo. Đạo Phật ở nước ta được xem là quốc giáo vì có số lượng tín đồ đông đảo nhất. Có lẽ vì điều này mà Phật giáo đã bị những người có dã tâm lợi dụng nhằm trục lợi cho bản thân.

Chắc hẳn những người Phật tử thuần thành đã từng nghe qua những cái tên như Thanh Hải Vô Thượng Sư, Long Hoa Di Lặc,… đều là những môn phái tà đạo mượn danh Phật giáo mà phát triển. Tuy nhiên chúng đã bị chính quyền Việt Nam “sờ gáy” và không còn cơ hội hoạt động ở nước ta.

Hiện nay, cái tên Master Ruma hay còn gọi là minh sư Trần Tâm dường như khá xa lạ với mọi người. Đây là một tổ chức có tên là “Hội thiền thất quốc tế Master Ruma” do người đàn ông tên Trần Văn Tâm, người Việt, quốc tịch Mỹ sáng lập và mọi người hay gọi là minh sư Ruma hay minh sư Trần Tâm. Tổ chức này đặt trụ sở tại Cam-pu-chia (Huyện Kien Svay – Tỉnh Kandal – Vương quốc Campuchia) và Thái Lan (thiền đường Chiang Mai).

Khi vào đạo này bạn sẽ được hướng dẫn tu tập thiền quán với tên gọi “Quán âm thanh và ánh sáng” mà theo họ đó là pháp môn Diệu âm của đức Quan Thế Âm Bồ Tát của Phật giáo. Nhưng theo tìm hiểu của tôi thì được biết đây là pháp môn thiền “Thanh Sắc Quang Ảnh” của đạo Sikh – một tôn giáo nổi tiếng ở Ấn Độ nhưng chưa du nhập vào Việt Nam.

Tuy nhiên không phải cứ đơn giản mà bạn được tu tập pháp môn này đâu. Ngưỡng cửa đầu tiên là bạn phải được họ truyền tâm ấn và trước thời gian truyền tâm ấn bạn phải ăn chay hoàn toàn trong vòng 30 ngày. Nơi truyền tâm ấn sẽ được định vào một ngày nhất định tại một ngôi nhà nào đó gần nơi bạn cư ngụ. Tôi và người thân đã được thọ tâm ấn ở một căn nhà trong khu trung tâm thành phố Hồ Chí Minh tại địa chỉ số 49, đường số 1, phường Tân Kiểng, quận 7.

Chi phí cho một cái thẻ thành viên khi thọ tâm ấn có giá 100 nghìn đồng và được chuyển từ Cam-pu-chia về. Trong buổi tâm ấn ấy, họ bắt bạn phải học thuộc ngay tắp lự tên của năm vị thánh mà họ cho rằng đó là năm vị tôn sư luôn bảo hộ cho mình và không được ghi chép hay thu âm lại mà phải học từ khẩu hình và cách phát âm của người truyền tâm ấn (người này được gọi là sư huynh).

Theo trí nhớ của tôi, tên của năm vị thánh đó là:

1. Dốt-nia-rành-danh ; 2. Om-ca 3. Ra-răng-ca; 4. Sô-hăng ; 5. Sát-nam. Nếu bạn có nghiên cứu về đạo Sikh thì có lẽ sẽ biết tên các vị này và đặc biệt đây là bí mật không thể bật mí mà họ luôn căn dặn các thiền sinh phải giữ, không được cho lọt ra ngoài nếu không sẽ bị luân hồi, chịu sự trừng phạt,…

Sau buổi truyền tâm ấn ấy là tới “trò” bán toạ cụ. Một cái đệm ngồi có giá 200 nghìn đồng mà ngoài chợ thường bán cỡ 50 nghìn đồng. Một cái khăn trắng giá 100 – 200 nghìn đồng, rồi bán các kinh sách Ruma được xuất bản ở Campuchia.

Đây chỉ là lối mở để vào đạo nên thật ra nó cũng chưa có gì đáng nói. Chỉ khi đặt chân vào thiền đường trên đất Cam thì tôi mới biết được chúng hoạt động như thế nào. Được xây dựng đồ sộ trên một khu đất khá rộng ở một vùng quê hẻo lánh ở Campuchia, thiền đường này có một cái tháp được xây dựng rất công phu , trong đó thờ một bức tượng bằng đá tạc hình Trần Tâm. Có một nhà hàng chuyên bán những thức ăn dành cho khách V.I.P và Trần Tâm xuất hiện thường xuyên ở nơi này để “chặt chém” vì mỗi lần Trần Tâm chạm tay vào món ăn nào thì món đó sẽ được nâng giá gấp đôi. Ví dụ như tô bún cà-ri có giá gốc là 50 nghìn đồng thì bạn sẽ được tính thành 100 nghìn đồng nhưng chẳng ai dám mặc cả vì xem là được ăn thức ăn mà minh sư gia trì, sẽ được phước báu và tiêu trừ bệnh tật.

Tôi đã khá “may mắn” khi được trải nghiệm đĩa mì Ý dở tệ với giá 150 nghìn đồng. Ngoài ra, ở đây còn có một siêu thị và một cửa hàng bán đồ gia trì. Để được vào khu nhà thiền để ngồi thiền thì phải mua một bộ quần áo trắng toát có in logo “Happy Golden Age” với hình cây đàn Lyre độc quyền của tổ chức này với giá 500 nghìn đồng. Những vật dụng được bày bán đều có in hình logo này. Ngoài ra, bạn phải mua một tô inox với giá 100 nghìn (loại tô mà ta thường hay ăn bún ngoài chợ) và muỗng để có thể ăn cơm ở nhà bếp (khi bạn nghèo, không có tiền vào nhà hàng V.I.P).

Thức ăn ở nhà bếp thực sự rất tệ, lần ấy tôi được cho ăn bánh đúc cùng với nước lèo bún Huế, trộn thêm rau sống còn thừa của bữa trưa, trông chẳng khác gì thức ăn cho gia súc nên tôi buộc lòng phải mò vào cái nhà hàng V.I.P đó mà ăn cho qua bữa. Ở phòng bán đồ gia trì thì những vật dụng được bày bán đó là đồ dùng Second-hand của Trần Tâm từ dao, kéo, muỗng, đũa, chai nước suối uống dở, cho đến từng nhúm tóc của Trần Tâm. Mỗi thứ đều có dán giá 200 nghìn đồng. Những món trang sức có giá khoảng vài trăm triệu và người thân của tôi đã bị dụ dỗ dùng số tiền 100 triệu để thỉnh về một tượng đồng điêu khắc chân dung của Ruma cao tầm 20 cm, rộng 10 cm về Việt Nam thờ phụng.

Mọi chuyện chưa kết thúc ở đó, bây giờ người thân của tôi suốt ngày tâm hồn chỉ hướng về Ruma mà quên hết tất cả. Luôn đòi bỏ nhà qua bên ấy sống để hằng ngày nhận được ân điển của minh sư. Tiền bạc, của cải đều gửi hết qua bên ấy để cho Trần Tâm làm việc thiện như đi xây trường học, cứu trợ, xây thiền đường,…

Nhưng theo tôi tìm hiểu thì không chỉ có mỗi người thân của tôi bị tình trạng như trên mà đã có rất nhiều người, rất nhiều gia đình lâm vào tình trạng như trên.

Thiết nghĩ, đây không còn là vấn đề riêng của người thân của tôi mà đó chính là sự mờ ám của pháp môn này. Có nhiều người đã bỏ nhà cửa, chồng con để qua thiền đường làm việc không công cho Ruma. Bao gia đình đã tan nhà, nát cửa vì chúng. Khi không còn tiền để cung phụng thì họ sẽ đi lang thang, không ai còn biết tung tích gì nữa. Cụ t
hể là bạn mình bên Đài Loan có quen một người phụ nữ, con bà ấy du học Đài Loan rồi tử nạn bên ấy. Linh cửu được gửi vào chùa và bà thường hay đến nhang khói. Tuy nhiên từ khi đi theo pháp môn này thì bà ấy chỉ đôi ba lần đến chùa suốt ngày nói về minh sư Ruma rồi sau này không còn thấy mặt mũi đâu nữa. Ngày giỗ của con gái bà cũng không về có lẽ vì lý do Ruma luôn miệng hứa với các thiền sinh rằng ai được thọ tâm ấn và hết lòng tin minh sư thì cữu huyền thất tổ của họ trong nhiều đời nhiều kiếp đều một bước siêu thoát hết.

Ruma là ai mà có thể làm được điều này?

Nguyễn Thúy Hà

TT Thích Chân Tính nói gì về “minh sư” Trần Tâm

Sư Trần Tâm có phải tu sĩ đạo Phật?

Hỏi: Chồng tôi đã quy y Tam bảo, gần đây lại học theo pháp môn của sư Trần Tâm. Xin hỏi sư Trần Tâm có phải là tu sĩ đạo Phật không?

Đáp: Sư Trần Tâm không phải là tu sĩ đạo Phật, vì:

1. Sư Trần Tâm trước đây có đến Hy Mã Lạp Sơn học pháp với các đạo sĩ Ấn Độ. Được các đạo sĩ Ấn Độ truyền pháp Diệu Âm (cách thức học đạo của sư Trần Tâm rất giống với bà Thanh Hải cũng đã từng học pháp Quán Âm tại Hy Mã Lạp Sơn. Thực hư thế nào không ai kiểm chứng được cả). Trở về Mỹ (Sư Trần Tâm là người Việt sinh sống tại Mỹ) một thời gian sau ông lấy vợ và vẫn tiếp tục con đường tu hành theo pháp môn Diệu Âm này. Sư Trần Tâm không xuất gia với một vị Tăng nào cả, không thọ giới của Phật, tự tu, tự cạo tóc, tự mặc y phục của chư Tăng.

2. Về hình tướng: lúc cạo tóc,lúc để tóc. Về y phục lúc đắp y Nam tông, lúc đắp y Bắc tông, lúc đắp y Tây Tạng, có lúc mặc cả quần áo thế tục. Về màu sắc: lúc màu đỏ, lúc màu vàng, lúc màu trắng, lúc màu lam,… (cách mặc y phục cũng giống bà Thanh Hải đủ kiểu, đủ màu)

3. Về pháp môn Diệu Âm mà sư Trần Tâm truyền bá mục đích tu tập là hướng đến sự gia trì của Thượng đế. Cầu Thượng đế ban ân, ban phước, cứu giúp để được giải thoát (cách tu tập và truyền đạo này cũng giống bà Thanh Hải). Đạo Phật không dạy Phật tử cầu xin Thượng đế ban ân. Danh từ thượng đế hoàn toàn không có trong giáo lý đạo Phật. Đức Phật thường dạy “ chính ta làm cho ta ô nhiễm, chính ta làm cho ta trong sạch”. Không ai có thể ban cho ta hạnh phúc hay giải thoát.

Qua đó có thể khẳng định sư Trần Tâm không phải là tu sĩ đạo Phật. Cách học pháp, tu tập và truyền đạo của sư Trần Tâm có thể nói là sao chép nguyên bản của bà Thanh Hải.

Là người đã quy y Tam bảo rồi không quy y tà sư ngoại đạo. Là con Phật rồi không làm con Thượng đế. Rất tiếc hiện nay một số Phật tử vì hiểu lầm sư Trần Tâm là tu sĩ Phật giáo nên đã rủ nhau qua Cambodia “tầm sư học đạo”. (Sư Trần Tâm có trụ sở và đang truyền đạo tại Cambodia). Có những người hình tướng tuy giống tu sĩ Phật giáo nhưng thật sự không phải tu sĩ Phật giáo. Người Phật tử đã quy y Tam bảo tức là đã có bổn Sư, muốn học đạo với những vị thầy nào cần phải thưa hỏi bổn Sư sẽ giúp chúng ta có cái nhìn sáng suốt và đúng đắn hơn. Nếu tùy tiện “tầm sư học đạo” như thế rất dễ rơi vào mê tín tà đạo, tiền mất tật mang.

Minh Tâm