Chuyện về “siêu bắn tỉa” Craig Harrison ở Afghanistan – Bài cuối: Hai phát đạn chính xác

Craig Harrison hiện nay. Craig Harrison hiện nay.

Đúng như tính toán chính xác của mình, Harrison đã tiêu diệt 2 tên lính Taliban chỉ bằng 2 phát đạn từ khoảng cách 2.475m. 2 phát đạn quyết định ấy đã khiến anh trở nên nổi tiếng.

THIẾT LẬP KỶ LỤC MỚI

Khi đã có đủ các thông số cần thiết do Cliff O’Farrell cung cấp, Harrison nhắm vào tên lính đang cầm khẩu PKM rồi hít một hơi dài, nín thở, bóp cò. Ngay lúc viên đạn vừa thoát ra khỏi nòng, anh chuyển sang bắn tên tiếp đạn. Hai phát súng chỉ cách nhau 3 giây. Trong cuốn hồi ký “Đòn giết người xa nhất – The Longest Kill”, Harrison viết: “Thay vì phải quan sát xem viên đạn thứ nhất có hạ được tên xạ thủ Taliban hay không, tôi bắn luôn tên thứ hai, vì nếu quan sát, tôi sẽ mất 6 giây. Khoảng thời gian ngắn ngủi ấy đủ để cho tên tiếp đạn hoặc là lẩn trốn, hoặc sẽ thay tên kia làm nhiệm vụ xạ thủ. Khi nghe tài xế Cliff O’Farrell reo lên “trúng cả hai rồi”, tôi bồi tiếp viên thứ ba vào khẩu PKM nhằm phá hủy nó để bọn Taliban không còn sử dụng được nữa”.

Sau 3 phát đạn của Harrison, tiếng súng từ phía Taliban im bặt. Lúc bị quân đội Afghanistan bắt, một tù binh Taliban tên là al-Adawi, kẻ đã tham gia trận phục kích khai: “Tất cả chúng tôi không ai nghe thấy tiếng súng nổ, chỉ thấy Abdullah, người bắn và Nadir, người tiếp đạn gần như chết cùng một lúc, đồng thời khẩu PKM bỗng nảy lên rồi lật nghiêng về một bên. Quá hoảng sợ, chúng tôi tháo chạy”.

Nửa giờ sau, một trực thăng Apache của Mỹ bay đến. Bằng máy laser đo xa, trung úy phi công phụ Andrew Jackson xác nhận khoảng cách từ đầu nòng súng đến chỗ 2 tên Taliban bị giết là 2.475m, phá vỡ kỷ lục của những người trước đó – cũng sử dụng loại súng cỡ nòng 8,59mm là Rob Furlong (người Canada, hạ mục tiêu ở khoảng cách 2.430m), Arron Perry (2.310m), Brian Krem (2.300m) và Carlos Hathcock (2.286m). Cảnh sát Afghanistan cho biết, khi lục soát hiện trường, họ thấy Abdullah trúng đạn vào bụng, còn Nadir trúng vào mặt. Riêng khẩu PKM, viên đạn do Harrison bắn ra đã phá hỏng bộ phận nạp đạn.

Theo nguyên tắc bảo đảm an toàn, danh tính những xạ thủ bắn tỉa không bao giờ được phổ biến công khai khi họ vẫn còn đang tham chiến, nhưng lần này, có lẽ là do vui mừng với kỷ lục mới lập của người lính thuộc đơn vị mình thực hiện nên chỉ vài ngày sau, hình ảnh, tên tuổi và thành tích của Harrison đã xuất hiện trên trang web của Trung đoàn Kỵ binh Household. Harrison viết trong hồi ký: “Tôi tham gia quân ngũ khi mới 16 tuổi và đã đặt 22 năm cuộc sống cùng lòng trung thành của tôi cho trung đoàn. Tôi đã từng bị một viên đạn bắn xuyên qua chiếc mũ sắt nhưng may mắn là tôi không hề hấn gì. Tôi cũng đã từng dính mìn, bị thương cả hai tay khi ngồi trên một chiếc xe quân sự nhưng khi hình ảnh của tôi tràn ngập trên mạng Internet, tôi thấy mình bị bỏ rơi. Sự tin tưởng của tôi vào đồng đội đã biến mất..”.

Những ngày sau đó, Harrison rơi vào trạng thái chấn thương tinh thần, nhất là khi cả Taliban lẫn tổ chức khủng bố al-Qaeda tuyên bố sẽ “lấy đầu” anh để trả thù. Anh viết trong hồi ký: “Cảnh sát Afghanistan lúc truy đuổi một nhóm Taliban, đã tìm thấy một chiếc xe hơi bị bỏ lại ở phía bắc Kabul. Trong xe có một tấm hình của tôi cùng một tờ giấy viết tay, ghi rõ nơi ở của tôi và vợ con tôi…”. Điều này đã khiến Tanya, vợ Harrison cùng cô con gái 16 tuổi sợ đến độ ngay cả ban ngày, họ cũng không dám mở những tấm rèm che cửa sổ trong nhà họ. Harrison viết tiếp: “Để bảo vệ tôi, quân đội đã tích hợp hệ thống định vị GPS trong điện thoại của tôi, còn vợ và con gái tôi luôn mang theo trong người một thiết bị, liên tục cập nhật vị trí của họ cho cảnh sát Afghnistan…”.

Một khẩu súng bắn tỉa L115A3, loại súng được Harrison sử dụng để thực hiện phát bắn không tưởng. Một khẩu súng bắn tỉa L115A3, loại súng được Harrison sử dụng để thực hiện phát bắn không tưởng.

GIẢI NGHỆ

Mặc dù bị kẻ thù săn đuổi, sự an toàn của gia đình bị đe dọa, Harrrison vẫn làm tròn trách nhiệm của lính bắn tỉa. Sau vụ tiêu diệt 2 tên Taliban ở khoảng cách 2.475m, anh được thăng hàm trung sĩ và còn tham gia hơn 20 trận nữa, bắn hạ 27 tên Taliban. Trung sĩ Geogre Osborn, người phụ trách cung cấp thông tin thời tiết cho Harrison nói: “Anh ấy không bao giờ phải bắn đến phát thứ 2. Cứ mỗi viên đạn là một tên địch. Có lần trên một đỉnh đồi, anh ấy bắn vào một chiếc xe của bọn Taliban. Phát đầu tiên, tên lái xe gục xuống, chiếc xe loạng choạng rồi đâm vào một ụ cát. Đợi cho tên thứ 2, rồi thứ 3 mở cửa chạy ra, anh ấy mới bóp cò. Cả hai đều chung số phận như tên lái xe. Sau này tin tình báo cho biết một trong 3 tên bị giết là thủ lĩnh cao cấp của Taliban ở Kandahar. Vì thế, cả Taliban lẫn al-Qaeda đều cùng săn lùng anh ấy”.

Cuối năm 2009, do không chịu nổi những căng thẳng, nhất là khi một phiến quân Taliban đánh bom tự sát, giết chết 9 người, bị thương 21 người – phần lớn là người nước ngoài, xảy ra gần khu nhà nơi gia đình Harrison cư trú thì Harrison đành đưa vợ con rời khỏi Kabul, Afghanistan để trở về Anh trong lúc con gái anh đang chuẩn bị thi tốt nghiệp phổ thông trung học, còn vợ anh là chủ một tiệm làm tóc rất đông khách. Tuy được hoan nghênh như một anh hùng nhưng ngay tại quê hương mình, Harrison cũng không tránh khỏi những chấn thương tâm lý, dẫn đến việc phải vào bệnh viện điều trị dài ngày.

Trả lời phỏng vấn của đài BBC, Harrison kể rằng đêm nào cũng vậy, anh thường xuyên nhìn thấy từng khuôn mặt của những kẻ đã bị mình tiêu diệt – một hội chứng rối loạn tâm thần phổ biến ở lính bắn tỉa. Trong hồi ký, anh viết: “Trước kia, mỗi lúc đặt con mắt vào ống ngắm súng bắn tỉa, tôi thấy một sự phấn khích gần như không thể kiểm soát được. Khi ấy, tôi phải tự dặn bản thân mình rằng “hãy bình tĩnh”. Khi bắn chết 2 tên Taliban ở cự ly 2.475m, tôi nhẹ nhõm vì mình đã giúp đồng đội thoát cơn nguy hiểm. Còn bây giờ, dù không phải giết ai nữa nhưng tôi lại không thể nào bình tĩnh được. Rất nhiều lần, tôi đã nghĩ đến chuyện tự sát”.

Cũng thời gian Harrison phải nhập viện điều trị hội chứng rối loạn tâm thần, Bộ Quốc phòng Anh bồi thường cho anh 100.000 bảng vì “đã công khai tiết lộ danh tính, dẫn đến nguy cơ Harrison và
gia đình bị Taliban và al-Qaeda giết hại”. Năm 2014, Harrison giải ngũ. Hiện tại, anh là chủ một cơ sở sản xuất ba lô du lịch do chính mình thiết kế, dựa trên mẫu ba lô chuyên dùng cho lính bắn tỉa.

Cho đến nay, vẫn chưa ai phá được kỷ lục bắn xa của Craig Harrison bằng những loại súng sử dụng cỡ đạn 8,59mm. Gần đây nhất, ngày 22-6-2017, tại Fallujah, Iraq, một lính bắn tỉa người Canada sử dụng khẩu McMillan TAC-50, đã bắn hạ một chiến binh thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo cực đoan (IS) từ khoảng cách 3.540m. Do thành tích này quá lạ thường nên phía Canada đã phải thành lập một nhóm chuyên viên vũ khí, đạn đạo để xác minh. Thông báo của lực lượng Canada tham chiến tại Iraq viết: “Bộ chỉ huy quân đội Canada ở Fallujah xác nhận một thành viên của Lực lượng đặc nhiệm liên hợp số 2 đã bắn trúng mục tiêu ở cự ly 3.540m”.

Cũng trong thông báo này, phía Canada cho biết: “Vì lý do an ninh, cũng như để bảo đảm an toàn cho quân nhân của chúng tôi và các đối tác trong liên quân, chúng tôi sẽ không trình bày chi tiết về thời điểm và cách thức bắn hạ”. Theo trung sĩ Kent Moore, giảng viên môn bắn tỉa thuộc Trung tâm huấn luyện Thủy quân lục chiến Fort Benning, bang Georgia, Mỹ, thì McMillan TAC-50 là loại súng có cỡ nòng 12,7mm, tầm bắn hiệu quả 1.800m còn nếu sử dụng loại đạn tăng tầm, nó có thể bắn xa 3.550m.

VŨ CAO (Theo The Longest Kill)