Cuộc đời và sự nghiệp của ca sĩ Carol Kim

Cho đến nay, khán giả yêu nhạc trước 1975 vẫn còn nhớ đến người ca sĩ có cái tên rất Tây là Carol Kim, là người có ngoại hình tương đối khác biệt so với các nữ ca sĩ cùng thời, nước da ngăm đen, đồng thời sở hữu một giọng hát cũng rất đặc biệt, khỏe khoắn đầy nội lực và mang hơi hướm của một ca sĩ da màu. Carol Kim xuất hiện trong làng nhạc từ năm 1967, nổi tiếng từ năm 1968 và đã thu âm rất nhiều trong băng dĩa vào thập niên 1970.

Sau đây, mời các bạn nghe lại những bản thu âm trước 1975 của Carol Kim, tiêu biểu nhất là Tình Phụ, Không, Vết Thương Cuối Cùng, Cái Trâm Em Cài, Điệu Ru Nước Mắt…

Click để nghe tuyển tập nhạc Carol Kim thu âm trong thập niên 1970

Carol Kim tên thật là Hoàng Kim Hoa, sinh năm 1948 tại Châu Phú – Châu Đốc, là con thứ 7 trong gia đình có 11 người con. Cha của cô là người Cần Thơ, còn mẹ là người Mã Lai sinh sống đã nhiều năm ở Việt Nam. Thời gian sau đó, Carol Kim trải qua phần lớn tuổi thơ ở Sài Gòn, nơi cha của cô là một cảnh sát nhận nhiệm vụ tại đây.

Ngay từ khi còn là học sinh tiểu học, Carol Kim thể hiện được năng khiếu nghệ thuật và rất thích ca hát, nhưng con đường trở thành ca sĩ của cô ban đầu không được thuận lợi vì bị cha ngăn cản quyết liệt. Dù vậy khi lớn lên, cô vẫn quyết tâm đi hát. Khi cha của cô nhận nhiệm sở ở Pleiku và mang theo gia đình lên vùng cao nguyên này, Carol Kim đã xuất hiện thường xuyên trong những sân khấu ca nhạc cộng đồng với cái tên Hoàng Hoa.

Cũng tại nơi đây, giọng hát lạ và đặc biệt của cô đã chinh phục được khán giả và được giải nhất cuộc thi tuyển lựa ca sĩ do phòng thông tin Ban Mê Thuột tổ chức vào năm 1965 với ca khúc Bước Chân Chiều Chủ Nhật của nhạc sĩ Đỗ Kim Bảng.

Năm 1967, trong một lần Carol đến Sài Gòn thăm một người chị đang làm ở vũ trường Tháp Ngà (Tour D’Ivoire) ở góc Trần Hưng Đạo – Bùi Viện, cô đã lên hát góp vui bài hát Moon River và chinh phục được tất cả khán giả và những người có mặt, trong đó có nhạc sĩ Lê Văn Thiện.

Đó là bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp của Carol Kim, cô được nhạc sĩ Lê Văn Thiện giới thiệu cho Pat Lâm – một ca sĩ quen thuộc ở khắp các phòng trà, từ đó Carol Kim được Pat Lâm đưa đi hát ở các club Mỹ ở Sài Gòn cũng như các tỉnh.

Click để nghe Carol Kim hát bài Không (Nguyễn Ánh 9) trước 1975

Thời gian này Carol Kim chủ yếu hát nhạc nước ngoài cho quân nhân Mỹ nghe, giọng hát của cô rất thích hợp với những nhạc phẩm thịnh hành lúc đó như What’d I Say, Chains Of Fools, My Prayer, và đặc biệt nhất là Oh Carol, vì vậy mà cô đã chọn cho mình nghệ danh ngắn gọn là Carol. Đến lúc này, chỉ mới 19-20 tuổi, cô đã có thu nhập ổn định để giúp đỡ được gia đình bớt khó khăn, phụ cha mẹ lo cho những người em ăn học đàng hoàng, nên dần dần cô không còn bị cha ngăn cấm đi hát nữa.

Thời gian sau đó, Carol bước chân vào lĩnh vực phòng trà và ký độc quyền với night club đầu tiên là phòng trà Tự Do. Lúc này, theo quy định của chính quyền phải có nghệ danh tiếng Việt nên cô ghép thêm tên đệm của mình để thành nghệ danh Carol Kim, rồi từ đó cô cũng bắt đầu chuyển sang hát nhạc Việt và được yêu thích với các bài Sầu Đông, Vết Thương Cuối Cùng, Tình Phụ, Không 1, Không 2… cùng những bài nhạc Trịnh là Hãy Khóc Đi Em, Tình Sầu, Biển Nhớ, Em Đã Cho Tôi Bầu Trời, Như Cánh Vạc Bay, Những Con Mắt Trần Gian…

Sau Tự Do, Carol Kim hát cho nhiều phòng trà lớn khác là Queen Bee, Đêm Mầu Hồng, Olympia…

Click để nghe Carol Kim hát Sầu Đông trước 1975

Carol Kim có vóc dáng cao lớn, giọng hát khỏe khoắn, rất thích hợp với những ca khúc Jazz, Soul và Blues của nhạc ngoại quốc lẫn nhạc Việt. Ngoài ra cô cũng hát nhiều bài thuộc thể loại kích động và các bài nhạc trẻ.

Bài nhạc kích động nổi tiếng đã gắn liền với tên tuổi Carol Kim là Cái Trâm Em Cài của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, mời các bạn nghe lại:

Click để nghe Carol Kim hát Cái Trâm Em Cài trước 1975

Tháng 3 năm 1975, Carol Kim cùng gia đình rời Việt Nam đến thành phố Chicago. Năm 1978, cô về Houston rồi năm 1980 về Quận Cam và hát độc quyền cho vũ trường Ritz của nhạc sĩ Ngọc Chánh trong suốt 14 năm.

Tại hải ngoại, Carol Kim thực hiện rất nhiều băng dĩa nhạc với đủ các thể loại nhạc, bắt đầu hát nhiều nhạc Việt Nam và được yêu thích với những bài tình ca như Kiếp Đam Mê, Xin Còn Gọi Tên Nhau, Đừng Bỏ Em Một Mình…, cùng những bài nhạc vàng bất hủ như Trăng Tàn Trên Hè Phố, Tàu Đêm Năm Cũ, Tình Như Mây Khói, Từ Đó Em Buồn…

Trong lĩnh vực thu băng, Carol Kim hợp tác với các trung tâm của các nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương, Nhật Trường, Jo Marcel, Y Vân, Nguyễn Văn Đông, Trường Hải… và nhiều nhất là với nhạc sĩ Ngọc Chánh trong các băng nhạc Shotguns, Thanh Thúy, băng Nhạc Trẻ.

Click để nghe Carol Kim hát Hãy Khóc Đi Em trước 1975

Ca khúc đầu tiên mà Carol Kim thu thanh trong băng nhạc là Hãy Khóc Đi Em của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, sau đó cô còn hát thêm nhiều ca khúc khác của nhạc sĩ này là Tình Sầu, Biển Nhớ, Như Cánh Vạc Bay…

Click để nghe Carol Kim hát Điệu Ru Nước Mắt trước 1975

Carol Kim cũng là một trong những nữ ca sĩ nhạc phim nhiều nhất trước 1975, trong đó có các phim Điệu Ru Nước Mắt, Biển Động, Xa Lộ Không Đèn…

Khoảng đầu tháng 4 năm 1975, Carol Kim rời Việt Nam sang Mỹ theo diện du học, ở nhà người bảo trợ tại Chicago, được hơn 1 năm thì về Houston ở trong 8 năm rồi dời về California để tiếp tục sự nghiệp ca hát. Từ năm 2007, có thời gian cô trở về nước biểu diễn. Những năm sau này, Carol Kim ra mắt những đĩa nhạc thánh ca và được yêu thích.

Đông Kha (nhacxua.vn) biên soạn