Xác định giới tính chim trĩ và một số loài chim khác

Về việc này, với loài thú thì quá dễ: lúc con thú còn nhỏ ta đã dễ dàng biết rõ giới tính của chúng và có thể nói mà không sợ lầm. Ngay trẻ con cũng biết chứ đừng nói chi người lớn.

Chẳng lẽ, đứng trước con bê mới lọt lòng mẹ, ta không phân biệt được nó là bê cái hay bê đực? Hoặc đâu là chó cái? Đâu là chó đực … Việc này sở dĩ dễ vì quan sát sơ qua bộ phận sinh dục của con vật là ta biết ngay giới tính của chúng.

Thế nhưng, loài chim lại khác.

Nhiều giống chim như chim cu gáy, bồ câu, khướu, yến phụng … dù ngay chim đã trưởng thành đã sinh sản được nhiều lứa mà giới tính của chúng ra sao, ngay nhiều chủ nuôi có kinh nghiệm lâu năm cũng không phân biệt được!

Chim trĩ trống hay mái?

Thực tế cho thấy, có nhiều nhà từ đời ông qua đời cháu đều nuôi mỗi giống chim cu gáy, lúc nào trong nhà cũng có sẵn mấy mươi con cu gáy nổi tiếng gáy được giọng hai, giọng ba, với đủ âm sấm, âm kim, âm son … Thế nhưng, khi hỏi về việc xác định giới tính của chim cu gáy ra sao thì họ thực sự không biết!

Việc này có thể có nhiều người biết, nhưng do tính xấu giấu nghề, mình biết thì để bụng chứ không chịu chỉ vẽ cho ai.

Cái khó là nhìn bề ngoài chim cu gáy trống mái trông không có đặc điểm gì khác biệt: từ hình dạng đến sắc lông, mà ngay cả tiếng gáy cũng giống nhau.

Thật ra, trái với điều nhiều người từng lầm: cu mái vẫn biết gáy. Giọng gáy của cu mái thường là giọng kim, giọng son, nghe êm tai hơn giọng cu trống. Có điều chim cu mái chỉ siêng gáy trong mùa sinh sản của chúng thôi. Những tháng còn lại trong năm, hoạ hoằn lắm ta mới được nghe cu mái gáy đôi ba tiếng, nhưng lúc này giọng nó nhỏ và khàn.

Bồ câu, yến phụng, khướu quan sát bề ngoài ta cũng khó xác định giới tính của chúng, giống như chim cu gáy vậy.

Thế nhưng, với người có kinh nghiệm thì bên cạnh những nét tương đồng của các giống chim vừa kể cũng có vài điểm dị biệt nằm ngay trước mắt mọi người nhưng tiếc là không ai chú tâm đến chúng. Một trong những điểm dị biệt dễ thấy nhất là … múi thịt nằm ngay lỗ mũi của chúng!

Ở chim trống cu gáy, khướu, bồ câu, múi thịt nằm trên lỗ mũi của chúng to bè ra, trong khi ở mũi chim mái các giống này, múi thịt rất nhỏ, gần như ép sát vào mỏ.

Còn mũi yến phụng có màu sắc khác nhau giữa chim trống và chim mái. Chim trống yến phụng lông hình màu xanh thì múi thịt ở mũi nó có màu xanh dương. Chim trống yến phụng lông mình màu trắng thì múi thịt ở mũi nó có màu hồng. Riêng chim mái yến phụng dù mình có sắc lông gì thì múi thịt ở mũi chúng cũng có mỗi màu trắng ngà mà thôi …

Xác định giới tính chim trĩ

Riêng việc xác định giới tính của chim trĩ lại khác. Khác ở chỗ giới tính của chim trĩ ra sao thì không đánh lừa được ai.

Chim trĩ dưới 3 tháng tuổi, trên mình còn phủ kín lớp lông măng màu xám tối thì chỉ có người nhiều kinh nghiệm lâu năm trong nghề mới có thể đoán được giới tính của từng con (có điều không ai dám chắc đúng một trăm phần trăm). Riêng chim trĩ ba bốn tháng tuổi khi trên mình đã mọc lông vũ thì trống mái ra sao đã sờ sờ hiện rõ trước mắt, ngay người ngoài nghề cũng xác định được dễ dàng.

Trĩ trống dù thuộc giống gì, sắc lông trên mình nó cũng tươi tắn, sặc sỡ cực kỳ. Riêng trĩ mái, dù đã thay lông vụ, sắc lông trên mình nó vẫn tối sẫm, không hấp dẫn được ai … (chính nhờ màu lông tối sẫm hợp với màu đất, màu cỏ lá khô nên trĩ mái ngoài hoang dã nằm ấp ổ trứng sát mặt đất mới không bị kẻ thù phát hiện như rắn, kỳ đà, chồn, cáo …)