Trung thu là tết thiếu nhi cớ sao người lớn lại đi chơi nhiều?

“Trung thu là Tết thiếu nhi cớ sao người lớn lại đi chơi nhiều”. Đây là câu nói vui mỗi dịp Trung thu về. Nhưng mà có thật Trung thu vốn là Tết của thiếu nhi? Và vì sao Trung thu người lớn lại đi chơi nhiều. Tất cả đều có lý do bạn à!

Banhtrungthu

1. Trung thu là tết thiếu nhi?

Trung thu là Tết thiếu nhi

1.1. Tết Trung thu là gì? 

1.1.1. Giới thiệu về Tết Trung thu

Tết Trung thu là ngày hội truyền thống của Việt Nam nhiều nước châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản,… Cho đến nay dù vẫn chưa xác định rõ nguồn gốc của Tết Trung thu bắt nguồn từ nước nào, từ khi nào nhưng tất cả mọi người đều rất háo hức đón chờ khi Tết Trung thu sắp đến. Trong ngày này, mọi người đều có chung một niềm vui, tham gia cùng một lễ hội và cầu nguyện cho những điều tốt lành nhất sẽ đến trong năm.

Ở mỗi quốc gia sẽ có những câu chuyện, truyền thuyết, những lễ hội Trung thu khác nhau. Riêng ở Việt Nam, hầu như tất cả người dân từ già đến trẻ đều thuộc lòng câu chuyện về chú Cuội, chị Hằng và thỏ ngọc. Rồi thì ít nhất một lần trong đời mỗi người dân nước Việt đều một lần được cầm đèn lồng tung tăng, rước cổ đêm trăng rằm, được chơi những trò chơi dân gian ngộ nghĩnh.

1.1.2. Các tên gọi khác của Tết Trung thu

Tết Trung thu có nhiều tên gọi khác nhau như Tết Đoàn viên, Tết Trông trăng, Tết Hoa đăng. Nhiều người Việt thích gọi ngày này là Tết Đoàn viên. Không chỉ vì đây là ngày trăng tròn nhất trong năm mà còn vì đây là dịp để những người con về đoàn tụ với gia đình, cùng ba mẹ thưởng thức bánh trung thu đậm vị, cùng trò chuyện bên những chiếc tách trà con con.

1.1.3. Tết Trung thu là ngày mấy tháng mấy?

Tết Trung thu diễn ra vào ngày rằm tháng 8 (15/8 âm lịch) – ngày mặt trăng tròn và sáng nhất. Nhưng nhiều người đã bắt đầu tổ chức lễ hội đón Trung thu, rước đèn vui chơi từ đêm 14/8 âm lịch. Đây cũng là thời điểm vụ mùa đã thu hoạch xong nên nhiều nơi đã bắt đầu rục rịch tổ chức lễ hội. Ấn tượng nhất phải kể tới lễ hội trăng rằm, rước đèn, phá cổ.

1.1.4. Tết Trung thu 2020 vào ngày bao nhiêu dương lịch?

Năm nay, Tết Trung thu sẽ rơi vào ngày 1/10/2020. Một ngày cũng khá tròn trịa và dễ nhớ. Tuy nhiên, ngày này lại rơi vào thứ năm, giữa tuần nên bạn nào muốn về đoàn viên với gia đình cần lưu ý để sắp xếp công việc ổn thỏa.

1.2. Ý nghĩa Tết Trung thu

Trung thu là Tết cầu mùa màng bội thu

Lễ hội cầu mùa màng bội thu

Theo quan niệm của người xưa, việc ngắm trăng vào Tết Trung thu có thể tiên đoán mùa màng và vận mệnh quốc gia. Nếu trăng thu vừa tròn vừa sáng thì năm đó sẽ trúng mùa tằm tơ, màu xanh hay lục thì sẽ có thiên tai. Còn nếu trăng có màu cam trong sáng thì đất nước sẽ thái bình, thịnh trị.

Tết đoàn viên

Ngoài ra, người Việt cũng thường mượn ngày này để làm lễ tỏ lòng biết ơn tổ tiên, hiếu kính với đấng sinh thành. Thậm chí để tri ân khách hàng, đối tác hay nhân viên công ty. Có thể bằng những món quà thực tế hay những lời thăm hỏi ý nghĩa. Đây cũng là dịp đoàn viên khi ai cũng mong muốn được trở về quây quần bên gia đình. Rồi cùng nhau chia sẻ những câu chuyện đời thường. Và thưởng thức những miếng bánh Trung thu nghĩa tình, ấm áp.

Lễ hội vui chơi của trẻ em và người lớn

Vào dịp này, nhà nhà làm lễ cúng gia tiên vào ban ngày. Ban đêm bày bánh trái, trà hoa để cùng các thành viên thưởng nguyệt. Ông bà, cha mẹ ngày nay thường mua hay tự làm các loại đèn lồng treo trong nhà và tổ chức cho các bé rước đèn. Dần dần, đây trở thành dịp để thể hiện tình thương yêu con cháu, giúp mối quan hệ gia đình thêm gắn bó khăng khít.

Các bạn nhỏ rất mong đợi đến rằm tháng 8 vì thường được người lớn tặng các loại đèn, đồ chơi, mặt nạ, tò he,… Và được ăn bánh nướng, bánh dẻo thơm ngon, tụ tập phá cỗ. Nhiều nơi còn tổ chức múa lân, múa sư tử, múa rồng để các em thỏa thích vui chơi.

Nhìn chung, dù là lễ hội của người lớn hay là Tết thiếu nhi thì Trung thu cũng chứa đựng trong nó thật nhiều ý nghĩa đặc biệt. Đó là tiên đoán tương lai, là sự chăm sóc, báo hiếu, tình thân hữu, đoàn tụ và cả thương yêu.

2. Vì sao Tết Trung thu có múa lân? 

Vì sao Trung thu lại có múa lân

Không có năm nào mà Tết Trung thu vắng tiếng múa lân. Theo quan niệm của người Việt, lân là linh vật tượng trưng cho niềm vui, sự may mắn, thịnh vượng. Mọi người tin rằng lân múa trước nhà mình sẽ mang bình an và sự thịnh vượng đến tất cả thành viên trong gia đình. Vì vậy mà tiếng múa lân rộn ràng đêm Trung thu lúc nào cũng được mọi người hưởng ứng rất nồng nhiệt, nhất là lũ trẻ con trong xóm.

Trung thu năm nay có lẽ sẽ có thêm nhiều gia đình thuê đội lân sư rồng về hơn mọi năm, để cầu cho một năm được an lành, hạnh phúc sau tất cả những gì đã xảy ra từ đầu năm nay.

3. Trung thu là Tết thiếu nhi vậy trò chơi Tết Trung thu có gì vui?

Có rất nhiều trò chơi dân gian dịp T
rung thu được tổ chức hàng năm. Không chỉ giữ nguyên được giá trị văn hóa truyền thống mà còn nhận được sự yêu thích của trẻ nhỏ. Nào là rước đèn, múa lân, thi làm đèn lồng, bịt mắt đập niêu, chuột nhử mèo, đốt pháo hạt bưởi, rồng rắn lên mây, nhảy vòng, cam quýt mít dừa, trời – đất – nước,… 

Đây đều là những trò chơi tập thể rất vui nhộn, mang lại tiếng cười rộn rã cho các bé. Không chỉ giúp tăng tính đoàn kết giữa các thành viên trong gia đình mà còn làm gần gũi hơn tình cảm bạn bè. Để Tết Trung thu trở nên ý nghĩa, phụ huynh và thầy cô đừng quên tổ chức những trò chơi dân gian này nhé!

4. Người lớn tại sao cũng thích chơi Trung thu?

4.1. “Hưởng ké” không khí lễ hội

Trung thu là Tết thiếu nhi nhưng dường như người lớn cũng muốn được “hưởng ké” không khí này. Trên những tuyến phố lớn bày bán các mặt hàng Trung thu, không khó để thấy cảnh người người lớn nhỏ nườm nượp đổ về.

Với những cặp đôi, đây cũng là dịp không thể hợp lý hơn để thể hiện tình yêu, bên nhau lâu hơn. Các gia đình đưa con em đi mua sắm, dạo phố, tới các khu vui chơi. Bạn bè thì tụ tập “phá cỗ” ở ngoài trời, chụp ảnh check-in, đi chơi về khuya hơn thường lệ.

4.2. Để hồi tưởng lại kỷ niệm tuổi thơ

Trung thu bé rước đèn lồng

Ai cũng từng là một đứa trẻ, cũng từng đếm từng ngày đến ngày Trung thu, cũng từng cùng bạn bè làm đèn ông sao, hay cầm đèn lồng chạy lung tung khắp xóm, nô đùa cùng lũ bạn đêm rằm Trung thu. Những kỷ niệm ngọt ngào, những vụ tranh cãi vụng vặt về chiếc đèn, chiếc bánh, hay vấp ngã trong lúc nô đùa. Tất cả trở thành ký ức ngọt ngào mà cứ mỗi mùa Trung thu chúng lại chợt ùa về.

Rồi thì khi “người lớn” đi chơi lễ Trung thu, “người lớn” lại có những câu chuyện thú vị kể lại cho bạn bè mình, kể cho chàng trai hay cô gái đang nắm tay mình dạo phố lồng đèn vui nhộn. Rằng thì ngày xưa anh thế này, em thế kia,… Những câu chuyện cũ rích vậy mà cứ được kể lại năm này qua năm khác mà không hề thấy nhàm chán chút nào.

4.3. Vì trò chơi dân gian lúc nào cũng hấp dẫn

Tham gia nặn tò he, làm bánh nướng, bánh dẻo, làm đèn lồng, mặt nạ giấy bồi, chơi trò chơi dân gian… Không chỉ dành riêng cho các em nhỏ mà còn cho những người trẻ. Có lẽ, Trung thu là cái Tết duy nhất dành cho cả người lớn lẫn trẻ em mà ai cũng trông đợi và háo hức. Bởi nó chỉ diễn ra trong một ngày, thong thả, nhẹ nhàng, vui vẻ. Chứ không bộn bề lo toan như Tết âm lịch.

Tất nhiên, các trò chơi truyền thống, phong tục văn hóa rồi cũng sẽ phải thay đổi để thích nghi dần với xu thế hiện đại. Nhưng bản chất Trung thu là Tết thiếu nhi. Do đó, người lớn hãy tận dụng dịp này để bồi đắp niềm vui tinh thần cho các bạn nhỏ cũng như gắn kết tình cảm gia đình nhé!

MỞ APP VINID VUI TRUNG THU!

Xem thêm bài viết liên quan:

Các hãng bánh Trung thu cao cấp nổi tiếng khắp trong Nam ngoài Bắc

Bánh Trung thu cao cấp VinMart 2020 – Quà tặng Trung thu xứng tầm