tại sao tới tháng lại không có kinh nguyệt | Hỏi gì?

Trả lời:

Em thân mến

Chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ không phải là một yếu tố bất di bất dịch. Nó có thể dễ dàng bị thay đổi nếu như có các yếu tố điều kiện tác động từ bên ngoài.

Thông thường, một phụ nữ sẽ có vòng kinh kéo khoảng từ 21 – 35 ngày, nhưng phổ biến nhất là từ 28 – 32 ngày. Nếu chu kỳ kinh nguyệt ít hơn 21 ngày hoặc dài hơn 35 ngày thì được gọi là rối loạn kinh nguyệt. Thậm chí, có những người 3 tháng mới thấy kinh, thì người ta gọi đó là vô kinh.

Em đã trễ kinh 1 tháng, nhưng không phải do có thai, thì em nên xem xét lại trong thời gian vừa qua có lý do nào gây ảnh hưởng tới chu kỳ kinh nguyệt của bản thân hay không. Sau đây là một số nguyên nhân thường gặp:

Chế độ ăn uống không lành mạnh, giảm cân quá đà: Nếu em ăn kiêng không khoa học, cơ thể bị thiếu đạm và chất béo thì sẽ ảnh hưởng tới quá trình tổng hợp các hormone nội tiết trong cơ thể. Do đó, kinh nguyệt có thể ra rất ít hoặc bị chậm kinh vô kinh. Ngoài ra, những người hay sử dụng rượu bia, cà phê, thuốc lá thì cũng có thể gặp phải vấn đề này.

Tập thể thao quá sức: Nếu em vắt kiệt sức lực trong những bài tập thể dục, thể thao cường độ mạnh suốt thời gian dài, thì quá trình tổng hợp estrogen trong cơ thể cũng sẽ bị ảnh hưởng tương tự như việc em giảm cân quá đà. Vì thế, nếu như em đang vận động thể chất quá nhiều thì hãy xem xét giảm bớt cường độ và thời gian luyện tập, chuyển sang những bộ môn vừa sức và an toàn hơn.

Stress: Căng thẳng, làm việc áp lực, mất ngủ dài ngày có thể khiến cho chức năng vùng dưới đồi suy giảm. Từ đó hệ trục não bộ tuyến yên buồng trứng rối loạn, tác động làm thay đổi thời gian rụng trứng. Khi đó, chu kỳ kinh nguyệt sẽ trở nên bất ổn.

Uống thuốc: Việc sử dụng một số loại thuốc có thể gây ra tác dụng phụ làm chậm kinh, rong kinh, chẳng hạn như thuốc giảm cân, thuốc giảm đau, thuốc chữa cảm cũng thông thường đôi khi cũng có thể gây ra điều đó. Vì thế, em nên xem lại trong thời gian gần đây có sử dụng bất kì loại thuốc nào hay không

Thay đổi địa điểm: Nếu em đi du lịch xa, chuyển công tác, chuyển địa điểm sinh sống, nhất là ở nước ngoài – nơi chênh lệch múi giờ lớn, thì nội tiết tố dễ bị ảnh hưởng, làm đảo lộn chu kỳ của em.

Đối với những nguyên nhân trên, chỉ cần em dừng lại và điều chỉnh các thói quen thường ngày một cách khoa học hơn, khi đó vấn đề loạn kinh nguyệt sẽ nhanh chóng chấm dứt.

Tuy nhiên, nếu em không tìm thấy lý do nào đáng ngờ, mà chu kỳ vẫn bị trễ trong thời gian tới thì em nên chủ động tới bệnh viện để kiểm tra xem liệu bản thân có gặp vấn đề bất thường nào hay không. Bởi một số bệnh lí phụ khoa như viêm vùng chậu, polyp cổ tử cung, u xơ tử cung, u nang buồng trứng hoặc các bệnh khác như tiểu đường, suy giảm chức năng tuyến giáp… cũng có thể gây ra rối loạn kinh nguyệt.

Những bệnh lý này cần được trị khỏi thì tình trạng rối loạn kinh nguyệt mới chấm dứt. Nếu để bệnh dai dẳng có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe, nhất là ảnh hưởng về khả năng làm mẹ sau này.

Chúc em tự tin và khỏe mạnh!

XEM THÊM:

  • 4 tháng mới có kinh nguyệt, có nguy hiểm không?
  • Kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì, nên xử lý thế nào?