tại sao nước anh không sử dụng đồng euro | Hỏi gì?

TẠI SAO NƯỚC ANH KHÔNG DÙNG ĐỒNG EURO?

Trước khi quyết định rời khỏi EU, nước Anh là một trong những nước thành viên tiêu biểu của khối này không sử dụng đồng euro. Thay vì dùng đồng euro, Anh Quốc dùng đồng Bảng là đồng tiền quốc gia của nước này. Vậy đâu là lí do Anh không sử dụng đồng euro?

Vào 13/3/1979 Hệ thống tỷ giá Châu Âu (ERM) được thành lập, hầu hết các đồng tiền của EU bị buộc vào nhau theo Cơ chế Tỷ giá Hối đoái (Exchange Rate Mechanism – ERM) của Hệ thống Tiền tệ Châu Âu (European Monetary System). Cơ chế tỷ giá ERM được xem là “cơ chế tỷ giá bò trườn” khi mà nó dựa trên một tỷ giá trung tâm, được tính toán dựa trên tỷ giá bình quân gia quyền của tỷ giá hối đoái của các nước thành viên với quyền số được ấn định dựa trên tổng sản phẩm quốc dân và hoạt động mậu dịch nội bộ châu Âu tương ứng của các nước thành viên trong khi giới hạn tỷ giá đồng tiền của các nước thành viên dao động trong một biên độ hẹp (2.25%, trừ Ý và Anh là 6%).

Trong đó, Bảng Anh được neo với Đồng Mark (Tây Đức) theo tỷ giá cố định 1GBP = 2.95DEM.

Vào thời điểm này, nền kinh tế của Anh đang rơi vào tình trạng suy yếu và có khả năng xảy ra khủng hoảng. Năm 1991 và 1992, tăng trưởng kinh tế (GDP) âm, lần lượt là (-2.2%) và (-1.0%).

Hoạt động của các nhà đầu cơ và sự bất lực trong chính sách của chính phủ.

Liên bang Xô Viết chính thứ tan rã vào ngày 26/12/1989 kéo theo sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa trên khắp Châu Âu. Sau 28 năm tồn tại, bức tường Berlin – biểu tượng của Chủ nghĩa xã hội tại Đức, sụp đổ vào ngày 9/11/1989, nước Đức chính thức được thống nhất từ Đông Đức và Tây Đức.

Về khía cạnh kinh tế, Đồng Mark của Tây Đức được chọn là đồng tiền chung cho đất nước. Vào thời điểm đó, 1 đồng Mark của Tây Đức đổi được 4 đồng Mark của Đông Đức. Tình hình lạm phát tại Đức tăng cao do người dân ở Đông Đức (cũ) đổ xô đi đổi từ Mark Đông Đức sang Mark Tây Đức. Để tránh được ảnh hưởng của lạm phát cao đến nền kinh tế mới được thống nhất của mình, chính quyền Đức đã phải thực hiện chính sách tài khóa mở rộng nhằm hỗ trợ miền Đông, kết hợp chính sách tiền tệ thắt chặt để ngăn chặn lạm phát. Điều này dẫn đến lãi suất Mark Đức tăng lên, thu hút được nguồn đầu tư từ bên ngoài vào trong nước, đồng thời khuyến khích người dân gửi tiền vào hệ thống ngân hàng để hưởng lãi suất. Vì vậy Mark Đức lên giá và Bảng Anh, do phải neo cố định vào đồng Mark Đức, nên buộc phải nâng giá lên. Bảng Anh lên giá, có giá trị thực cao hơn so với các đồng tiền khác ngoài khối như Dollar Mỹ hay Yên Nhật.

Tại Anh, đồng tiền lên giá đã làm cho cán cân vãng lai bị thâm hụt nghiêm trọng khi mà xuất khẩu hàng hóa và nhập khẩu vốn có xu hướng giảm, trong khi nhập khẩu hàng hóa lại tăng lên. Tình trạng này kéo dài trong một thời gian, và các nhà đầu cơ đã nhận định rằng nước Anh đang cố duy trì mức lãi suất thấp sẽ không thể cầm cự được lâu và buộc phải phá giá đồng tiền nước mình để cân bằng cán cân thanh toán và ổn định lại tình hình kinh tế.

Chính vì vậy, các nhà đầu cơ đã quyết định hành động bằng cách vay Bảng mua Mark, kết hợp đầu tư vào các hợp đồng tương lai và quyền chọn. Đến đầu tháng 9 năm 1992, giới đầu cơ nhanh chóng tiến hành bán và bán khống Bảng Anh ra khi nó còn có giá. Hành động đầu cơ ồ ạt này khiến Bảng Anh mất giá cực nhanh do trên thị trường, cung vượt quá cầu. Ngày 15 tháng 9, Bảng Anh mất giá quá 2,25%.

Trước tình thế này, Ngân hàng Trung ương Anh chỉ có 2 lựa chọn :

+ Tăng lãi suất để hút dòng tiền dư thừa ngoài thị trường vào hệ thống tài chính, tăng cầu – giảm cung qua đó làm tăng giá Bảng Anh

+ Mua vào đồng nội tệ hiện đang dư thừa, cung ngoại tệ ra trên thị trường, mục đích làm tăng cầu – giảm cung với Bảng Anh

Thứ nhất, để ổn định thị trường tiền tệ trong nước và duy trì tỷ giá cố định theo yêu cầu khi gia nhập ERM, Ngân hàng Anh đã quyết định vay thêm 20 tỉ Mark Đức (DEM) để mua vào Bảng Anh (GBP) đang dư thừa trên thị trường do lượng dự trữ trong nước không đủ nhằm bảo duy trì mức tỉ giá 1GBP = 2.95DEM. Tuy nhiên, NHTW Đức muốn kìm hãm mức lạm phát cho nước mình nên đã hạn chế bán Mark ra thị trường. Nỗ lực can thiệp trực tiếp vào thị trường ngoại hối của chính phủ Anh trở nên vô hiệu.

Thứ hai, NHTW Anh quyết định tăng lãi suất cho đồng Bảng Anh nhằm khuyến khích đầu tư vào đồng Bảng. Ngày 16/9/1992 chính phủ Anh chính thức thông báo tăng lãi suất đồng bảng Anh từ 10% đến 12%, sau đó lại tiếp tục tăng tới 15%, đây là mức lãi suất cao kỷ lục, do ngân hàng TW Anh không có đủ lượng dự trữ đồng DEM để giữ ấn định mức giá neo 2.95DEM/GBP. Thế nhưng, điều này chỉ chứng tỏ rằng, Chính phủ và NHTW Anh đã hoàn toàn bất lực trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng, và càng khiến những nhà đầu tư mất niềm tin. Không thể mạo hiểm tài sản của mình để đánh đổi rủi ro mất giá đồng Bảng Anh đang hiển hiện trước mắt, các nhà đầu tư tiếp tục bán bảng Anh để mua Mark, khiến Anh buộc phải đi đến quyết định thả nổi hoàn toàn đồng nội tệ.Nước Anh và hậu quả của khủng hoảng đồng Bảng Anh nắm 1992. Theo tính toán của Bộ Tài chính Anh (1997) thì trong ngày thứ Tư đen tối 16/9/1992, nước Anh đã thua lỗ đến 3,4 tỉ Bảng (tương đương 5,66 tỉ USD – theo tỉ giá hiện nay).

Sự kiện “Black Wednesday” chứng kiến tỷ lệ lãi suất nhảy vọt từ 10% lên 12% và cuối cùng là 15% trong một nỗ lực vô ích nhằm cứu vãn tỷ giá đồng bảng không bị rớt khỏi các mức giới hạn của Cơ chế tỷ giá Châu Âu. Tỷ giá ngoại hối sa xuống £1 = DEM2,40 . Tức là đồng Bảng đã bị mất giá tới 20% so với trước khi khủng hoảng xảy ra, thay đổi lớn hơn nhiều so với mức 6% theo qui định của ERM. Và kết quả là Anh chính thức rút khỏi ERM vào ngày 16/9/1992.

Sau khủng hoảng, nước Anh không còn phụ thuộc vào các qui định tỷ giá trước đây, thì đồng Bảng đã tự điều tiết theo cơ chế cung-cầu. Chính vì nhờ tỷ giá thấp, khuyến khích xuất khẩu, giảm nhập khẩu, nên kinh tế nước Anh tăng trưởng trở lại, chấm dứt thời kì suy thoái.

Sau này, người Anh đã coi ngày 16/9/1992 là “Golden Wednesday” hay “White Wednesday” th
ay vì “Black Wednesday” vì đây chính là cột mốc đưa nước Anh ra khỏi cơ chế, tổ chức đã kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế. Đó là lý do giải thích vì sao ngày nay nước Anh không trong khu vực sử dụng đồng tiền chung Châu Âu EURO.

MỘT SỐ LÝ DO KHÁC

Tự chủ trong việc ban hành chính sách tiền tệ:

Vì Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đặt ra các chính sách kinh tế và tiền tệ cho tất cả các thành viên thuộc khu vực đồng euro, các nước này sẽ không có quyền tự đưa ra chính sách phù hợp với tình trạng riêng của mình. Vương quốc Anh đã có thể phục hồi nhanh chóng từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007-2008 là nhờ cắt giảm lãi suất trong nước vào tháng Mười năm 2008 và đưa ra một gói nới lỏng định lượng vào tháng Ba năm 2009. Ngược lại, Ngân hàng Trung ương châu Âu phải đợi cho đến năm 2015 để bắt đầu gói nới lỏng định lượng (bơm tiền mua trái phiếu chính phủ để thúc đẩy nền kinh tế).

Tự chủ trong việc giải quyết các thách thức cụ thể trong nước:

Mỗi nền kinh tế có những thách thức riêng của mình. Với nước Anh, nền kinh tế nước này rất dễ biến động với những thay đổi lãi suất. Do vậy, khi không dùng đồng euro, nước này có thể giữ được mức lãi suất thấp thông qua ngân hàng trung ương Anh Quốc.

Tự chủ trong việc trở thành người cho vay cuối cùng

Nền kinh tế của một quốc gia thường “rất nhạy cảm” với lãi suất trái phiếu Kho bạc. Một lần nữa, các nước không dùng đồng euro lại có lợi trong tình huống này. Họ có các ngân hàng trung ương độc lập có thể trở thành người cho vay cuối cùng cho các khoản nợ của nước này. Trong trường hợp lãi suất trái phiếu tăng cao, các ngân hàng trung ương này sẽ mua trái phiếu và nhờ đó tăng tính thanh khoản trên thị trường. Ngược lại, các nước trong khu vực đồng euro có ECB là ngân hàng trung ương của mình, nhưng ECB không mua trái phiếu của quốc gia thành viên trong những tình huống như vậy.

Tự chủ trong việc đưa ra biện pháp kiểm soát lạm phát

Khi lạm phát tăng lên trong một nền kinh tế, một biện pháp xửa lý hiệu quả sẽ là tăng lãi suất. Anh Quốc và các nước không dùng đồng euro khác có thể làm điều này thông qua các chính sách tiền tệ của cơ quan quản lý trong nước. Tuy nhiên, các nước thuộc Eurozone không phải lúc nào cũng có thể làm vậy. Ví dụ, sau cuộc khủng hoảng kinh tế tại châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu đã tăng lãi suất vì lo ngại lạm phát cao ở Đức. Động thái này đã giúp nước Đức, nhưng các quốc gia thuộc khu vực đồng euro như Ý và Bồ Đào Nha lại phải chịu thiệt hại đáng kể do mức lãi suất cao.

Tự chủ trong việc phá giá tiền tệ:

Thông thường, các quốc gia có thể phải đối mặt với những thách thức kinh tế do các chu kỳ lạm phát cao, lương cao, xuất khẩu giảm, hoặc sản xuất công nghiệp giảm. Những tình huống như vậy có thể được xử lý một cách hiệu quả bằng cách giảm giá trị tiền tệ quốc gia, làm cho các sản phẩm xuất khẩu rẻ hơn và cạnh tranh hơn cũng như khuyến khích đầu tư nước ngoài. Các nước không dùng đồng euro như Anh có thể giảm giá trị đồng tiền của mình khi cần thiết. Tuy nhiên, các thành viên thuộc khu vực đồng euro không thể độc lập thay đổi giá trị đồng tiền này, vì hành động đó sẽ ảnh hưởng đến 19 quốc gia khác. Bên cạnh đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu mới là cơ quan kiểm soát việc thay đổi giá trị đồng euro.

Ngoài những lý do trên, cũng cần nói rằng, để được dùng đồng euro, Vương quốc Anh cũng sẽ buộc phải đáp ứng các yêu cầu nhất định (euro convergence criteria) trước khi sử dụng đồng tiền này. Một trong những yêu cầu đó là phải duy trì một tỷ lệ giữa nợ và GDP sao cho có thể giới hạn chính sách tài khóa của Anh. Tính đến năm 2014, Vương quốc Anh mới chỉ đáp ứng được 20% tổng số các yêu cầu để được sử dụng đồng euro.