Tại sao 1 ngày có 24 giờ, 1 giờ có 60 phút, 1 phút có 60 giây?

(Watchbook.vn) – Vì lý do nào mà cha ông ta lại chia thời gian thành những con số cụ thể đó?

Đã bao giờ bạn tự hỏi rằng tại sao con người lại chia một ngày thành 24 giờ, 1 giờ thành 60 phút hay chưa? Hiện nay, chúng ta đều dùng hệ số thập phân, vậy tại sao 1 ngày không phải là 10 hay 20 giờ? Nếu trong đầu bạn đã từng xuất hiện câu hỏi như vậy, bài viết này chính là câu trả lời bạn đang tìm kiếm!

Có thể nói, cách chia thời gian của con người khá kỳ cục. Mỗi đơn vị thời gian lại được chia theo hệ số khác nhau:

  • 1 ngày chia thành 24 giờ: 12 giờ sáng và 12 giờ tối
  • 1 giờ chia thành 60 phút, 1 phút chia thành 60 giây
  • 1 giây lại chia thành 1000 mili giây.

Hệ số 12

Hiện nay, chúng ta đều dùng hệ số thập phân. Mọi người giải thích rằng hai bàn tay có 10 ngón, và hệ số theo cơ số 10 sẽ giúp mọi người dễ dàng đếm hơn. Tuy nhiên, trước đây thì người ta còn sử dụng những cơ số đếm khác biệt hơn.

Nền văn minh Ai Cập và Babylon là những nền văn minh đầu tiên chia một ngày thành những đơn vị thời gian nhỏ hơn. Tại đây họ dùng hệ số Thập nhị phân – 12 và Lục thập phân – 60.

Tại sao lại là 12? Nếu bạn nhìn vào bức ảnh dưới đây, bạn sẽ tìm được câu trả lời:

he so 12 ban tay

12 chính là số đốt ngón tay (trừ ngón cái)

Vâng! Cực kỳ đơn giản và dễ hiểu. Cấu trúc bàn tay của chúng ta chính là câu trả lời. Nếu bỏ đi ngón cái, một bàn tay sẽ có 12 đốt ngón tay. Vậy ngón cái để làm gì? Ngón cái dùng để đếm số đốt trên những ngón tay còn lại. Đơn giản và dễ hiểu, và nếu mất một tay bạn vẫn có thể đếm được tới 12 thay vì 5.

Tại sao lại là 24 giờ?

Khái niệm 24 giờ có lẽ bắt đầu từ nền văn minh Ai Cập cổ đại. Họ chia một ngày thành 10 giờ trên đồng hồ mặt trời (cách gọi văn hoa của 1 que gỗ cắm xuống đất), thêm hai giờ ở đầu và cuối ngày (thời điểm chạng vạng tối và hửng đông). Sau đó, người Ai Cập đã chế ra một chiếc đồng hồ hiện đại hơn với hình chữ T, chia khoảng thời gian giữa lúc mặt trời mọc và lặn thành 12 phần.

dong ho mat troi

Đồng hồ mặt trời với hình chữ T đổ bóng

Tuy nhiên, vào buổi tối thì không có mặt trời, và đồng hồ mặt trời cũng trở nên vô dụng. Người xưa đã tìm ra một cách khá đặc biệt để tính thời gian lúc đó: dựa vào vị trí các chòm sao. Vào thời điểm đó, họ chọn ra 36 chòm sao (gọi là decans) mọc theo thứ tự.

Trong một đêm, sẽ có 18 chòm sao xuất hiện. Tuy nhiên, mỗi khoảng thời gian chạng vạng và hửng đông sẽ có tới 3 chòm sao hiện ra. Vì lẽ đó, khoảng thời gian trời tối hoàn toàn sẽ chỉ có 12 chòm sao – mỗi chòm sao tương ứng với một giờ, và chúng ta có 12 giờ vào buổi tối.

36 chòm sao ở trên sẽ xuất hiện theo thứ tự nhất định, nhưng khi trái đất xoay thì chòm sao xuất hiện đầu tiên trong buổi tối sẽ có sự thay đổi. Mỗi một chòm sao sẽ xuất hiện đầu tiên trong khoảng thời gian 10 ngày, vậy nên một năm hồi đó là 360 ngày (10 x 36 = 360).

chom sao

Quan sát chòm sao là cách người xưa tính thời gian

Cách tính thời gian theo thiên văn có một điểm hạn chế: độ dài của mỗi giờ sẽ không đồng nhất. Vì lẽ đó, Hipparchus – nhà thiên văn Hy Lạp đã nghĩ ra ý tưởng chia 1 ngày thành 24 giờ bằng nhau. Tới thế kỷ 14, đồng hồ cơ học bắt đầu được sử dụng tại châu Âu và hệ quy chiếu 24 giờ chính thức được sử dụng rộng rãi.

Tại sao lại là 60 phút và 60 giây?

Cũng chính những nhà thiên văn Hy Lạp cổ đại đã đưa ra ý tưởng này. Người Hy Lạp lúc đó cũng sử dụng hệ cơ số 60 của người Babylon để tính toán. Để tiện chia một giờ thành những phần nhỏ hơn, họ đã sử dụng hệ số 60 cho phút và giây.

Lý do tại sao người Babylon sử dụng hệ số 60 thì vẫn còn là bí ẩn, có lẽ bạn phải cần máy thời gian để quay lại thời điểm đó. Nhưng theo suy luận của những nhà nghiên cứu hiện đại, số 60 là ước chung nhỏ nhất của rất nhiều số (1,2,3,4,5,6,10,12,15,20,30) nên rất dễ để chia thành các phần nhỏ bằng nhau.

Khái niệm mili giây chỉ mới xuất hiện gần đây, khi con người đã sử dụng hệ số thập phân một cách rộng rãi. Vì vậy nên 1 giây được chia thành 1000 mili giây.