Miếu Ông Bổn: Văn hoá tinh thần của người Hoa

Trưởng Ban trị sự miếu Ông Bổn Quách Vĩnh Sanh cho biết: “Người Hoa ở Cà Mau trước đây có 5 ban: Triều Châu, Quảng Đông, Phước (Phúc) Kiến, Hải Nam và Hẹ (hay còn gọi là Sùng Chính, Khách Gia). Việc xây dựng chùa, miếu là do các ban trưởng họp bàn và vận động sức, của trong cộng đồng để lập nên. Tuy nhiên, miếu Ông Bổn là người Phước Kiến tự xây dựng để duy trì truyền thống văn hoá trong cộng đồng và là nơi họp mặt của ban hội”.

Chánh điện miếu Ông Bổn.

Theo tài liệu ghi chép trong quyển “Cà Mau xưa và An Xuyên nay” (in lần thứ nhất vào năm 1979) của Nghê Văn Lương, miếu Ông Bổn được xây dựng khoảng những năm 1800, toạ lạc tại ngã ba sông Gành Hào, khi người Pháp đến đặt nền thống trị tại Cà Mau đã chọn điểm này để xây dựng Ty Công chánh (hiện nay là khu vực chợ Phường 7, TP. Cà Mau), nên miếu Ông Bổn bị bắt buộc dời đi nơi khác và điểm mới được Ban Phước Kiến chọn xây dựng miếu là kênh Rạch Rập (như vị trí hiện nay).

Vậy Ông Bổn người Hoa suy tôn là ai? Có nơi cho rằng Ông Bổn là Châu Đạt Quan (một vị quan đời nhà Nguyên), nơi thì nói Ông Bổn là Phục Ba Tướng quân Mã Viện, thần Thổ Địa, Huyền Thiên Thượng đế… Riêng người Hoa Cà Mau thì Ông Bổn chính là thái giám Trịnh Hoà (đời Vĩnh Lạc 1403-1424).

“Trịnh Hoà là người được hoàng đế Minh Triều lệnh cho dong thuyền buồm đi khắp các nước Ðông Nam Á để tuyên truyền văn hoá Trung Hoa và sưu tầm những đồ vật quý hiếm. Trên bước đường bôn ba, đến đâu ông cũng thi nhân bố đức, dạy dân lao động, buôn bán và hình thành công đồng dân cư. Sau khi ông qua đời được vua sắc phong “Tam Bửu Công” (còn gọi là Bổn đầu công công” và người Hoa cảm đức, tôn thờ làm phúc thần gọi là Ông Bổn”, ông Quách Vĩnh Sanh thông tin.

Miếu Ông Bổn được xây dựng bằng cây gỗ đắt tiền mang hiệu là “Phước Cảnh Miếu”. Niên hiệu Tự Đức thứ 8 năm 1856, Phước Cảnh Miếu được vua ban đến 2 sắc thần phong là “Phước Đức Chánh Thần”, trong sắc thần thứ nhất ghi thêm chữ “Lạc – Hoà” và trong sắc thứ hai là chữ “Lạc Lộc”.

Thời kháng chiến chống pháp, miếu Ông Bổn từng là nơi liên lạc thông tin của Việt Minh nên miếu bị đốt sạch, sắc thần vua phong không còn, những cây đa cổ thụ trước cũng bị chặt phá… Năm 1946, người Phước Kiến một lần nữa kẻ công người của dựng lên một cái miếu bằng lá tạm làm nơi thờ phụng. Đến năm 1960, miếu Ông Bổn được xây dựng kiên cố bằng bê tông cốt thép, mái ngói khang trang và từng là nơi hội họp, cất giữ tài liệu của cán bộ cách mạng nằm vùng hoạt động. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chính quyền địa phương đã trưng dụng miếu làm trụ sở, cho đến năm 1991 miếu được bàn giao về cho người Hoa trùng tu và quản lý thờ phụng đến nay.

Theo ông Sanh, trước đây lễ cúng thường vào ngày Rằm tháng Giêng và tháng 8 âm lịch (ngày được vua phong sắc thần). Trong lễ cúng, người ta sẽ tổ chức cầu cơ xin Ông cho chữ để biết may rủi trong năm, phía dưới bàn thờ tượng của Ông có thờ thần hổ và gốc cây hương, mỗi khi người dân đau ốm đến khấn vái và đẽo miếng dăm cây hương mang về nấu nước uống sẽ khỏi.

“Bây giờ việc cầu cơ xin chữ cũng như chữa bệnh bằng dăm cây không còn phù hợp với cuộc sống hiện đại nên Ban trị sự miếu không thực hiện nữa. Cúng vía Ông cũng chỉ 1 lần trong năm vào ngày 29/3 âm lịch, được cho là ngày sinh của thái giám Trịnh Hoà. Vào dịp này, không chỉ người Phước Kiến mà hầu hết người Hoa đều tập trung về dâng hương cầu xin Ông ban phước lành cho gia đình, độ trì cho quốc thái dân an…”, ông Sanh cho biết.

Qua nhiều lần xây dựng và trùng tu, miếu Ông Bổn vẫn còn giữ được hình ảnh cổ kính của một công trình mang phong cách kiến trúc truyền thống của người Hoa. Và nhân lễ vía Ông cũng như dịp lễ, tết…, không chỉ có người Hoa mà người Việt cũng đến đây dâng lễ cúng cầu bình an, thể hiện sự hoà quyện văn hoá tinh thần của các dân tộc anh em trên vùng đất Cà Mau./.

Mỹ Pha