Kinh nghiệm kinh doanh hàng tạp hóa một vốn bốn lời

Kinh doanh hàng tạp hóa trong thời đại công nghệ 4.0 đòi hỏi bạn phải trang bị nhiều kỹ năng bán hàng hơn. Một số việc thiết yếu bạn cần làm không chỉ dừng lại ở việc dự trù vốn, mà bạn còn cần quan sát thị trường và chọn ra lợi điểm bán hàng của mình. Tất cả những điều đó đều có trong bài viết này.

1. Đánh giá lợi nhuận kinh doanh hàng tạp hóa

Bất kỳ mặt hàng nào được chọn kinh doanh cũng đều mang lại lợi nhuận cho người bán. Với việc kinh doanh cửa hàng tạp hóa cũng vậy. Nhưng lợi nhuận này sẽ không cao, thông thường chỉ rơi vào khoảng 1.000 – 50.000 đồng/sản phẩm. Đó cũng là điều dễ hiểu bởi:

  • Giá nhập sản phẩm không cao
  • Người bán phải bán theo giá thị trường, khó có thể tăng/giảm giá để tạo lợi nhuận
  • Nhiều sản phẩm có giá niêm yết sẵn trên bao bì nên việc đổi giá cũng rất khó diễn ra

Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa việc kinh doanh tạp hóa không mang lại lợi nhuận như mong muốn. Điều quan trọng để làm giàu trong kinh doanh tạp hóa là bạn phải biết nắm bắt thời cơ, quản lý việc kinh doanh hiệu quả và áp dụng một số kinh nghiệm làm giàu từ những người kinh doanh thành công. Dưới đây sẽ là thông tin nói về vấn đề này.

2. Kinh nghiệm làm giàu từ kinh doanh hàng tạp hóa 2020

2.1. Nghiên cứu thị trường

Theo kinh nghiệm mở cửa hàng tạp hóa tự chọn của nhiều người, để bắt đầu kinh doanh, việc đầu tiên bạn cần làm là nghiên cứu thị trường. Dưới đây là những thông tin mà bạn cần phải nắm càng rõ ràng tốt:

  • Thị trường hiện tại chuộng những loại mặt hàng, sản phẩm hay thương hiệu nào
  • Theo dõi hành vi mua hàng của khách hàng: thường mua qua mạng, mua qua cửa hàng, họ có tin và mua các sản phẩm khuyến mãi?
  • Nhu cầu của khách hàng
  • Mức thu nhập và khả năng chi trả của khách hàng

2.2. Chọn địa điểm và mặt bằng mua hàng tạp hóa

Như đã nói ở trên, kinh doanh hàng tạp hóa muốn có lãi cần tập trung vào số lượng. Do đó, hãy cố gắng tìm mặt bằng tại những nơi đông người sinh sống.

Mặt hàng của bạn chủ yếu là phục vụ nhu cầu đời sống hàng ngày của người dân lân cận. Do đó, thậm chí bạn cũng không cần phải thuê mặt bằng tại khu vực mặt tiền đường lộ. Miễn địa điểm kinh doanh của bạn có đông người dân và càng xa các địa điểm bán buôn khác càng tốt.

2.3. Tính toán mở cửa hàng tạp hóa cần bao nhiêu vốn?

Sẽ không có một đáp án chính xác và cụ thể nào cho câu hỏi “mở cửa hàng tạp hóa cần bao nhiêu vốn?”. Bởi mỗi khu vực, mỗi nhóm đối tượng, mỗi điều kiện của người kinh doanh mà sẽ luôn có vô vàn cách kinh doanh với những số vốn khác nhau. Ở đây chúng ta chỉ có thể liệt kê những phần vốn chính như:

Chi phí cơ bản:

  • Tiền thuê mặt bằng: Nếu không thể tận dụng diện tích tại nhà thì bạn sẽ cần chi từ 05 – 10 triệu đồng/tháng để thuê mặt bằng kinh doanh (tùy khu vực).
  • Vốn nguồn hàng: Bạn có thể nhập hàng 1 lần, hoặc chia thành các nhóm sau:

Vốn nhập nguồn hàng thử nghiệm: Nhập 1 số lượng nhỏ, nhưng theo bạn là vô cùng thiết yếu để phục vụ những nhu cầu cơ bản nhất của người dân khu vực. Vốn khoảng: 20 triệu đồng

Vốn nhập nguồn hàng mở rộng: Nhập thêm nguồn hàng mới, đáp ứng được nhiều hơn nhu cầu của người dân. Vốn khoảng 10 triệu đồng

Vốn nhập nguồn hàng mới: Hãy dành ra 1 số tiền để cập nhật những mặt hàng HOT trên thị trường, hoặc khác hơn đối thủ để thu hút khách hàng đến với cửa hàng của bạn. Vốn khoảng 10 triệu đồng

Chi phí khác:

  • Tiền mua trang thiết bị hỗ trợ kinh doanh: Bạn có thể trang bị 1 chiếc máy tính bàn cấu hình cơ bản để thực hiện các công việc như: nhập liệu, thống kê hàng hóa, thống kê đơn, lên đơn hàng, quản lý thu chi,… Hoặc cũng có thể thay thế bằng 1 chiếc máy POS tính tiền kèm theo phần mềm quản lý bán hàng để kiểm soát việc kinh doanh nhanh chóng và khoa học hơn. Giá vào khoảng 10 triệu đồng
  • Tiền thuê nhân sự: Tư vấn mở cửa hàng tạp hóa từ những người đi trước, khi mở rộng kinh doanh, chắc chắn cần phải thuê nhân sự. Mức lương trung bình là khoảng 4 – 7 triệu đồng/tháng/nhân sự (tùy theo làm fulltime hoặc bán thời gian).

2.4. Danh mục hàng hóa ở cửa hàng

Bạn cần lập ra danh sách các danh mục hàng hóa đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng. Đừng bỏ qua bất kỳ sản phẩm nào từ cây kim cho đến bia, rượu,… Với từng sản phẩm cụ thể bạn sẽ ghi chú về số lượng và thương hiệu (nếu có).

Thời gian đầu, mỗi danh mục sản phẩm chỉ cần nhập về 1 số lượng ít nhưng đa dạng mẫu mã. Từ đó theo dõi xem khách hàng của bạn chọn loại nào nhiều hơn để đẩy mạnh kinh doanh trong thời gian tới.

2.5. Mở cửa hàng tạp hóa cần giấy tờ gì?

Dù lớn hay nhỏ thì kinh doanh tạp hóa cũng cần đăng ký giấy tờ hợp pháp để kinh doanh. Theo đó:

  • Cửa hàng tạp hóa nhỏ: đăng ký kinh doanh cá thể, hộ gia đình
  • Cửa hàng tạp hóa quy mô lớn: Đăng ký giấy kinh doanh, cần có giấy chứng nhận cơ sở kinh doanh đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, giấy chứng nhận phòng cháy chữa cháy,…

2.6. Kế hoạch truyền thông bán hàng

Khi có quá nhiều cửa hàng kinh doanh hàng tạp hóa để người dùng lựa chọn, bạn không thể nào chọn cách im lặng một cách mờ nhạt. Thay vào đó, hãy làm nổi bật bản thân bằng những check-list sau để thu hút khách hàng:

  • Thành lập 1 Fanpage để cập nhật nhanh những thông tin mới nhất về cửa hàng của bạn: chương trình khuyến mãi, sản phẩm mới, những thông tin hữu ích phục vụ nhu cầu khách hàng.
  • Tạo shop bán hàng trên các sàn thương mại điện tử (là một hình thức của tạp hóa online): sẽ giúp bạn có cơ hội tiếp cận hơn 300.000 người/ngày.
  • Thường xuyên tạo các chương trình khuyến mãi, ưu đãi khách hàng. Các chương trình này cần thông báo trên Fanpage, Website (nếu có). Tại cửa hàng
    thì đặt các banner để người dân khu vực lân cận có thể nhìn thấy.

2.7. Kế hoạch giá bán và dự đoán lợi nhuận

Rất khó để thay đổi giá bán khi các sản phẩm hiện nay đều có giá niêm yết. Nhưng không vì thế mà bạn chấp nhận việc chỉ lấy lợi nhuận trực tiếp. Thay vào đó bạn có thể xây dựng 1 số kế hoạch giá bán và dự đoán lợi nhuận để làm giàu từ cửa hàng tạp hóa như:

  • Chọn lợi nhuận gián tiếp từ nhà sản xuất: Nếu bạn kinh doanh đạt mức theo doanh số đề ra của nhà sản xuất/nhãn hàng nào đó thì bạn sẽ được nhận thêm lợi nhuận từ tiền chiết khấu của họ.
  • Tiền trưng bày sản phẩm: Khi việc kinh doanh trở nên phát triển, 1 số nhãn hàng sẽ “thuê” 1 góc trong cửa hàng của bạn để đặt sản phẩm của họ. Khi đó bạn có thể thu thêm lợi nhuận từ việc “đặt quảng cáo” này.
  • Lợi nhuận đến từ hỗ trợ của các nhà cung cấp: Khi nhập hàng từ nhà phân phối, bạn hãy yêu cầu họ cấp cho bạn 1 mã khách hàng. Với mã này bạn sẽ được nhận rất nhiều ưu đãi và hỗ trợ từ các nhà cung cấp như:
    • Ưu đãi từ Pepsi: Khi nhập đủ số hàng, đặt biển hiệu của Pepsi và đáp ứng một số điều kiện khác được thông báo từ nhà cung cấp, bạn sẽ được nhận 3 thùng nước mỗi tháng, kệ trưng bày, dù, thùng đá,…
    • Ưu đãi từ Unilever: Đáp ứng mức nhập hàng tối thiểu, mỗi tháng bạn sẽ nhận được 11 dây dầu gội bất kì. Còn với mức nhập hàng cao hơn thì bạn sẽ được nhận các khoản tiền hỗ trợ tùy theo cấp độ. Thường là từ vài trăm đến vài triệu đồng.
    • Ưu đãi từ Vinamilk: Đáp ứng được yêu cầu từ nhà cung cấp bạn sẽ có được 1 triệu đồng tiền trưng bày mỗi tháng. Cùng 1 số ưu đãi khác tùy theo thời điểm sẽ có thay đổi. Nhưng thông thường sẽ là tiền mặt hoặc sản phẩm đến từ Vinamilk.
  • Tìm được nguồn nhập hàng giá tốt: Thông thường, để nhập hàng tạp hóa đơn giản nhất là chủ tiệm liên hệ với các đại lý hoặc nhân viên bán hàng từ các thương hiệu lớn. Tuy nhiên, cách làm này không giúp cho bạn đạt được lợi nhuận bán hàng với giá tốt nhất. Hiện tại, đã có ứng dụng đặt hàng tạp hóa giá hời dành cho chủ tiệm tạp hóa thời công nghệ. Bạn chỉ cần mở app là có thể đặt hàng với giá tốt kèm thêm nhiều ưu đãi hấp dẫn.

3. Chi tiết kế hoạch mở cửa hàng tạp hóa

3.1. Lựa chọn nhà cung cấp hàng hóa

Muốn mở cửa hàng tạp hóa lấy hàng ở đâu? Thời gian đâu bạn có thể nhập hàng từ các đại lý, siêu thị bán buôn hàng hóa. Việc này sẽ giúp bạn nhập được đa dạng hàng hóa từ 1 điểm cung cấp.

Về sau, nhân viên tiếp thị của các nhãn hàng sẽ chủ động đến tìm bạn để thương lượng về việc kinh doanh. Nếu nhập hàng trực tiếp từ đây, giá nhập hàng sẽ được giảm bớt. Đồng thời bạn cũng được hưởng những ưu đãi và chiết khấu cao từ các nhà cung cấp nếu bạn đạt được điều kiện của họ.

3.2. Mua sắm dụng cụ, thiết bị và thiết kế cửa hàng

Với một cửa hàng tạp hóa bạn sẽ cần trang bị những thiết bị như:

  • Tủ kệ trưng bày
  • Tủ lạnh, tủ mát
  • Quầy thanh toán

Thông thường việc bố trí sản phẩm theo tuân theo quy tắc: Sản phẩm bán chạy/HOT sẽ được đặt ở nơi dễ nhìn thấy nhất. Còn quầy tính tiền thì sẽ được đặt ở nơi ra vào để tiện theo dõi cửa hàng. Nhưng khi có thêm nhân sự trông cửa hàng thì bạn có thể đặt quầy tính tiền ở cuối cửa hàng. Bằng cách này, khách hàng sẽ phải đi qua thêm nhiều sản phẩm khác, và có thêm cơ hội mua hàng trước khi đến được nơi thanh toán.

cách trưng bày cửa hàng

3.3. Trưng bày và bố trí hàng hóa

Mặt hàng kinh doanh thì có nhiều, nhưng không gian thì giới hạn, vậy bạn cần làm gì? Hãy áp dụng 1 số nguyên tắc trưng bày và bố trí hàng hóa sau để thu hút được tối đa khách mua hàng:

  • Bố trí các sản phẩm được mọi người quan tâm nhất ở vị trí dễ thấy nhất
  • Các sản phẩm mang giá trị thấp, thức ăn nhanh thì đặt gần quay thanh toán để người dùng dễ lấy và thanh toán
  • Các sản phẩm cần được chia theo từng quầy hàng để khách hàng dễ tìm kiếm và lựa chọn
  • Cần có tên và giá sản phẩm ở từng sản phẩm cụ thể. Với từng quầy hàng cũng cần được đặt bảng tên phía trên cao để khách dễ tìm
  • Những mặt hàng như bánh kẹo thì đặt ở kệ dưới, vì nó gần tầm mắt của trẻ em. Còn ở khu vực kệ cao hơn thì chọn đặt các sản phẩm mà người trưởng thành sẽ cần chi tiêu.

3.4. Kinh nghiệm thuê và quản lý, đào tạo nhân viên

Khi cần mở rộng kinh doanh, việc thuê nhân viên là điều nên quan tâm. Nhưng trong thời gian đầu, rất khó tránh khỏi những tiêu cực trong quá trình làm việc của nhân viên. Khi ấy, những thiết bị như camera, phần mềm quản lý bán hàng,… sẽ là trợ thủ đắc lực giúp bạn giám sát toàn bộ hoạt động kinh doanh của nhân viên và sản phẩm tại cửa hàng.

Hãy đòi hỏi (hoặc đào tạo) nhân viên báo cáo công việc kinh doanh, thu chi chi tiết từng ngày. Với mỗi thông tin, sẽ kèm theo hóa đơn để bạn dễ đối soát khi cần thiết.

3.5. Tạp hóa có giao hàng tận nơi không?

Thời đại 4.0, mọi người đều có thói quen mua hàng online, giao hàng tận nơi. Vì vậy, sẽ rất tốt nếu bạn mở rộng kinh doanh theo hình thức giao hàng tận nơi. Vừa là lợi điểm bán hàng, vừa giúp bạn tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng hơn.

Trên đây là những thông tin về việc mở cửa hàng tạp hóa cần những gì. Có thể thấy rằng, xu hướng kinh doanh hàng tạp hóa ngày nay được áp dụng từ cả kinh doanh truyền thống lẫn hiện đại. Do đó hãy tận dụng những điều này để thúc đẩy việc kinh doanh của mình nhé.

MỞ ỨNG DỤNG VINSHOP – ĐẶT HÀNG TẠP HÓA HẾT Ý!

Xem thêm bài viết liên qua
n:

Thời đại 4.0 là gì? Kinh doanh thời đại 4.0 có gì mới?

Giới thiệu ứng dụng VinShop là gì? Ứng dụng VinShop dùng để làm gì?