Kiếm tiền với công việc làm freelancer như thế nào? (Nên làm không?)

Đến thời điểm hiện tại mình tin chắc bạn không còn xa lạ gì với hình thức kiếm tiền với Freelancer, dạng công việc tự do mà bạn có thể làm bất kể thời gian, không gian nào mà bạn muốn.

Đã có rất nhiều cá nhân đến với Freelancer và kiếm được mức thu nhập đáng mơ ước mà trước kia họ chưa bao giờ dám nghĩ đến.

Thậm chí nhiều bạn còn phát triển thành business riêng và vận hành hàng chục nhân viên cho hệ thống Freelancer của bản thân.

Nghe qua thì rất hấp dẫn & thôi thúc nhiều bạn trẻ muốn từ bỏ công việc công sở để theo đuổi.

Tuy nhiên, quy luật 80/20 luôn luôn đúng trong mọi trường hợp, có rất nhiều cá nhân đã bỏ cuộc khi mới bước được “nửa chân” vào hoặc thậm chí bỏ cuộc khi chỉ mới tìm hiểu vì không khai thác được thế mạnh bản thân cũng như đi sai hướng phát triển.

Trong bài viết này, mình giúp bạn tìm hiểu chân dung một Freelancer là như thế nào, cần chuẩn bị những hành trang gì khi kiếm tiền với Freelancer, ưu nhược điểm khi theo đuổi công việc này mà bạn nên biết, … tất tần tật mọi thứ về Freelancer mà bạn cần nắm rõ trước khi bắt đầu “lâm trận”.

Kiếm tiền với Freelancer là gì?

Khái niệm Freelancer

Freelancer là những người có kỹ năng, chuyên môn cao trong 1 lĩnh vực nào đó.

Họ làm việc cho cá nhân hoặc công ty mà không có sự ràng buộc nào về thời gian hay không gian làm mỗi ngày, miễn là hoàn thành công việc đúng thời gian đã thống nhất giữa 2 bên.

Khác với những người đi làm cố định ở 1 công ty nào đó, ký hợp đồng thường là 1-2 năm làm việc, thì với Freelancer họ không phải cam kết điều đó, họ làm việc theo kiểu ngắn hạn & theo từng dự án.

Freelancer thực chất vẫn là làm thuê cho người khác & được trả công, nhưng làm trong sự thoải mái, không có bất cứ sự áp lực từ đối phương dành cho bạn, tất cả sẽ được thống nhất từ đầu khi bạn nhận job & thoả thuận từ người thuê.

Các công việc Freelance tiêu biểu & độ phổ biến

Thị trường Freelancer hiện tại có sự cạnh tranh rất cao, nên ngoài việc mình tổng hợp các công việc thì mình còn sẽ giúp bạn đưa ra những ngách mà bạn có thể lưu ý và lựa chọn hướng đi và phát triển sau này.

Dịch thuật

Nói về dịch thuật thì chắc chắn bạn phải có cho bản thân kỹ năng đầu tiên phải là “rành” về ít nhất một ngôn ngữ nào đó, ngữ pháp cũng cần phải chắc chắn.

Kỹ năng thứ 2 là bạn cần phải có kiến thức chuyên sâu về ngôn ngữ kỹ thuật chuyên ngành nào đó, chẳng hạn như: y tế, nông nghiệp, công nghiệp, …

Nếu bạn không có kiến thức chuyên về lĩnh vực mà khách hàng cần thì chắc chắn bạn sẽ không thể nào dịch và diễn tả được hết ý của bài viết đó.

Ở công việc này bạn có thể nhận job theo yêu cầu:

  • Nhận dịch những bài viết, sách hay tài liệu đã có sẵn sang ngôn ngữ khác.
  • Nhận viết và dịch qua ngôn ngữ khác theo yêu cầu của khách hàng. Việc này đòi hỏi bạn cần phải có thêm kỹ năng viết, khó hơn là chỉ dịch thông thường, vì vậy mà bạn cần cẩn thận trong khâu đóng gói dịch vụ để không phải phí công sức bản thân bỏ ra.

Photographer/Designer/Video maker

Trong thập kỷ phát triển như vũ bảo của ngành digital marketing thì các nội dung dạng visual ngày càng được chú trọng & ứng dụng vô cùng rộng rãi.

Ví dụ: để tránh 1 bài viết toàn chữ “khô khan” thì cần những hình ảnh, và phải là những hình ảnh thật ấn tượng để có thể truyền tải được hết ý nghĩa và thông điệp của bài viết.

Nếu nói về thiết kế thì có rất nhiều ấn phẩm khác nhau mà bạn có thể lựa chọn niche mà đi theo như:

  • Banner
  • Logo
  • Poster
  • Áo thun
  • Bao bì sản phẩm

Ngoài ra, nếu bạn là 1 người yêu thích sự sáng tạo, và luôn muốn tạo ra những “siêu phẩm” qua hình ảnh thì có thể lựa chọn photographer và trau dồi cho bản thân ngay từ đầu với những ngách sau đây:

  • Chụp ảnh couple.
  • Chụp ảnh cưới.
  • Chụp model.
  • Chụp sản phẩm.

Với video maker cũng sẽ có những ngách tương tự như photograper.

Có rất nhiều shop bán hàng thuê Freelancer, yêu cầu cả chụp, thiết kế hình ảnh, thậm chí là quay video, đây là cách để bạn thêm gói dịch vụ và gia tăng thu nhập cho mình.

Video editor

Với sự “lười đọc” vô cùng lớn của đại đa số mọi người hiện nay thì những nội dung dạng video ngày càng chứng minh được tầm ảnh hưởng.

Mỗi ngày bạn có thể tiếp cận được với vài chục video với nhiều sản phẩm & thông điệp khác nhau. Để có những video vô cùng thu hút như vậy thì không chỉ có lên kế hoạch, quay rồi post video lên là được.

kiếm tiền freelacncer với video editor
Tiếp cận khách hàng thông qua video mang thông điệp gia đình.

Mà Freelancer chỉnh sửa video chính là người quyết định, họ sẽ thoải mái sự sáng tạo của mình để đem lại sự thú vị và truyền tải thông điệp của sản phẩm đến người xem thông qua video.

Thêm hiệu ứng, đồ họa, âm nhạc, soi từng chi tiết nhỏ, cắt ghép, lồng mọi thứ phải thật hợp lý.

Với công việc chỉnh sửa video hiện nay có rất nhiều ngách để bạn có thể lựa chọn như:

  • Chuyên về intro
  • Chỉnh sửa video cho các cá nhân làm youtuber, thường là những cá nhân muốn xây dựng thương hiệu thông qua video, nhưng họ lại có ít thời gian để tự làm.
  • Chỉnh sửa video về MV ca nhạc, phim ảnh (đây là những dự án lớn nên thường những người có kinh nghiệm lâu năm sẽ được tín nhiệm và lựa chọn).

Content writer

Với công việc này đòi hỏi bạn phải có đôi chút kỹ năng và kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực mà bạn viết.

Công việc cho content writer phổ biến nhất hiện nay vẫn là lên kế hoạch & triển khai nội dung cho Fanpage, website bán hàng hoặc blog chia sẻ.

Để tăng sự hiệu quả và phát triển cho công việc bạn nên tập trung vào 1 hoặc 2 lĩnh vực nhất định. Có một thực trạng là hiện nay nhiều bạn “ôm show”, tham việc và lĩnh vực nào cũng nhận dẫn đến bài viết rất kém chất lượng, không có chiều sâu trong khi đó khách hàng mục tiêu & độc giả lại ngày càng tinh ý, ra quyết định thông minh hơn nhiều.

Những lĩnh vực ngách mà bạn có thể tập trung:

  • Công nghệ.
  • Đồ gia đình.

  • Review sách.
  • Làm đẹp, mỹ phẩm.
  • Tài chính.

Là người làm content thì bạn cần đặc biệt cập nhật mọi tin tức mới nhất, thông tin hữu ích trong lĩnh vực ngách mà bạn làm. Chỉ có như vậy bạn mới có thể sản xuất được những nội dung hay, thu hút sự quan tâm với cường độ liên tục.

Thiết kế website/Lập trình

Website hiện nay vô cùng quan trọng và cần thiết trong mọi lĩnh vực, chính vì vậy bạn có thể lựa chọn nếu đã có kỹ năng & nền tảng ngay từ đầu.

Hiện tại thì phần lớn mọi người đều lựa chọn wordpress để bắt đầu xây dựng website, nên bạn có thể đi theo 2 hướng phổ biến sau:

  • Website bán hàng: Đây là dạng website không phải ai mới học cũng có thể làm đẹp được, mất nhiều thời gian, vì vậy mà rất nhiều người hiện nay luôn tìm đến những Freelancer để thuê họ làm web bán hàng.
  • Website dạng affiliate: Làm website dạng so sánh giá và tích hợp link affiliate từng sản phẩm đòi hỏi thời gian và công nghiên cứu rất nhiều của người làm, vì nó còn liên quan đến SEO, nên giá thành cho site dạng affiliate cũng được rao rất cao, mình thấy trung bình tầm 7.000.000đ cho 1 site.

Ngoài ra, nếu bạn là 1 dân lập trình thì có thể tận dụng để kiếm tiền với Freelancer, vì website mà bạn phải can thiệp bằng code mình thấy giá thành khá cao, tùy vào độ khó của công việc như:

  • Viết website: viết toàn bộ website bằng code, công việc này khá khó, ít cá nhân nào dám nhận nhưng giá thành lại khá xứng đáng cho công sức của bạn.
  • Viết theme: Với những khách hàng khó tính thì họ không hài lòng với nhiều theme có sẵn, nên họ thường thuê Freelancer để viết riêng theme cho website. Số lượng khách hàng như này rất ít nhưng giá cả cho 1 theme bạn tự viết thường rất cao.
  • Tối ưu website: Để tốc độ tải trang được tốt nhất và tối ưu UX/UI cho website thì bạn cần can thiệp vào bằng code và chỉnh sửa. Đây là niche mà bạn có thể đi theo.

SEO

Kiếm tiền Freelancer với SEO cũng là hình thức mà bạn nên tham khảo.

SEO luôn có một chỗ đứng “vững chắc” trong chiến lược tiếp thị số của rất doanh nghiệp lớn, vừa & nhỏ trong nhiều năm nay bởi khả năng mang về khách hàng thụ động mà nó mang lại ở lâu dài.

Ngoài việc tiết kiệm được chi phí quảng cáo & phù hợp với những cá nhân, doanh nghiệp có ngân sách khiêm tốn. SEO còn giúp cho doanh nghiệp tiếp cận được lượng khách hàng khổng lồ & có tỷ lệ chuyển đổi cao đến từ các công cụ tìm kiếm như Google.