Kế hoạch chăm sóc bệnh nhân tăng huyết áp

Chăm sóc bệnh nhân tăng huyết áp

Hướng dẫn lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân tăng huyết áp

style=”text-align:center”>

Thiquocgia.vn xin gửi tới bạn đọc bài viết kế hoạch chăm sóc bệnh nhân tăng huyết áp để bạn đọc cùng tham khảo. Bài viết nêu rõ kế hoạch chăm sóc bệnh nhân từ việc chẩn đoán bệnh cho đến chẩn đoán, lập kế hoạch chăm sóc… Mời bạn đọc cùng tham khảo chi tiết bài viết dưới đây để có thể hiểu rõ hơn.

Kế hoạch chăm sóc bệnh nhân viêm phế quản

Kế hoạch chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết

Mẫu kế hoạch chăm sóc

Lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân tăng huyết áp

style=”text-align:center”>

1. Nhận định bệnh nhân hoặc nhận định chăm sóc:

– Nhận định chi tiết về thực thể, tinh thần, kinh tế, văn hoá, xã hội, môi trường sống và văn hoá tín ngưỡng …

– Trọng tâm của nhận định thực thể là đo huyết áp cho bệnh nhân đúng kỹ thuật (đo nhiều lần ở những thời điểm khác nhau, đo ở nhiều tư thế, đo ở cả 4 chi). Các bước và quy trình đo huyết áp như thế nào là đúng? Xem ngay cách đo huyết áp bệnh nhân.

– Việc nhận định bệnh nhân phải chỉ ra được:

+ Người bệnh là tăng huyết áp với nguyên nhân là nguyên phát hay thứ phát: Nếu là tăng huyết áp nguyên phát thì có yếu tố nguy cơ nào? Nếu là tăng huyết áp thứ phát thì do nguyên nhân nào?

+ Bệnh nhân đã có những biến chứng gì chưa như: Suy tim, tai biến mạch máu não …

2. Chẩn đoán chăm sóc:

Dựa vào các dữ liệu thu thập được qua nhận định bệnh nhân tăng huyết áp có thể đưa ra các chẩn đoán chăm sóc sau:

– Nguy cơ bị biến chứng có thể xảy ra do chưa kiểm soát được huyết áp của bệnh nhân.

– Người bệnh khó chịu do tác dụng phụ của thuốc điều trị tăng huyết áp đã được sử dụng (đau đầu, chóng mặt, tụt huyết áp tư thế, rối loạn tiêu hoá…)

– Người bệnh thiếu kiến thức về:

+ Bệnh tăng huyết áp và các biến chứng của nó.

+ Các yếu tố nguy cơ của bệnh tăng huyết áp.

+ Phương pháp điều trị tăng huyết áp.

3. Kế hoạch chăm sóc:

Các mục tiêu cần đạt được là:

– Người bệnh sẽ không bị biến chứng.

– Người bệnh sẽ bớt khó chịu do tác dụng phụ của thuốc và biết cách hạn chế được các tác dụng phụ đó.

– Người bệnh sẽ hiểu về bệnh, loại bỏ được các yếu tố nguy cơ, tuân thủ chế độ điều trị tăng huyết áp lâu dài theo chỉ dẫn của thầy thuốc.

4. Thực hiện chăm sóc:

* Ngăn ngừa các biến chứng của tăng huyết áp:

Đặc biệt với người bệnh tăng huyết áp nặng phải chủ động ngăn ngừa các biến chứng bằng cách:

– Thực hiện nghiêm túc các mệnh lệnh điều trị, theo dõi huyết áp trước và sau khi dùng thuốc, kịp thời báo cáo thầy thuốc nếu người bệnh không đáp ứng với thuốc.

– Theo dõi liên tục và chặt chẽ để phát hiện kịp thời các biến chứng có thể xảy ra.

– Thực hiện đầy đủ các xét nghiệm để đánh giá các biến chứng như: Ghi điện tâm đồ, chụp X quang, siêu âm tim, soi đáy mắt, xét nghiệm sinh hoá máu và nước tiểu.

* Hạn chế các khó chịu do tác dụng phụ của thuốc:

– Một vài loại thuốc gây hạ huyết áp khi đứng làm bệnh nhân cảm thấy hoa mắt, chóng mặt. Để hạn chế tác dụng phụ này khuyên người bệnh thay đổi tư thế từ từ, muốn ra khỏi giường nên từ từ ngồi dậy chờ một lúc rồi hãy đứng lên, nếu vẫn choáng váng thì nên ngồi lại để tránh ngã.

– Với những thuốc điều trị tăng huyết áp gây nên táo bón hàng ngày phải hỏi người bệnh và báo cáo thầy thuốc nếu có. Đồng thời khuyên người bệnh ăn nhiều rau quả, uống đủ nước, xoa day bụng dọc khung đại tràng, luyện tập thể dục. Thực hiện y lệnh thuốc nhuận tràng nếu có chỉ định….

– Nếu người bệnh bị ỉa chảy do thuốc phải báo ngay cho thầy thuốc đồng thời theo dõi số lượng, màu sắc và tính chất phân.

* Giáo dục sức khoẻ:

– Trước hết người điều dưỡng cần làm cho người bệnh hiểu được tăng huyết áp là gì? Biểu hiện như thế nào? Gây ra những biến chứng gì? Làm thế nào để kiểm soát được huyết áp?

– Cần nhấn mạnh việc điều trị tăng huyết áp là phải thường xuyên, liên tục, lâu dài và vì sao phải điều trị lâu dài? Người bệnh có vai trò quan trọng trong điều trị tăng huyết áp. Ngoài ra cần cung cấp cho họ một số thông tin về thuốc điều trị tăng huyết áp.

– Hướng dẫn chi tiết cho người bệnh về chế độ ăn trong tăng huyết áp: Hạn chế muối, hạn chế Lipit và Cholesterol, hạn chế Calo nếu quá béo, không dùng các chất kích thích tim mạch. Cần cho người bệnh biết thứ gì nên ăn – uống, thứ gì không nên ăn – uống và làm thế nào để thích nghi với chế độ ăn đó.

– Chỉ cho người bệnh biết về các yếu tố nguy cơ của tăng huyết áp trên cơ sở đó thuyết phục họ loại bỏ hoặc hạn chế đến mức tối đa các yếu tố nguy cơ đó nếu có.

5. Đánh giá chăm sóc:

Người bệnh đạt được các kết quả:

– Không bị hoặc hạn chế đến mức tối đa các biến chứng.

– Biết cách hạn chế và bớt được các khó chịu do tác dụng phụ của thuốc.

– Hiểu về bệnh tăng huyết áp.

– Tôn trọng chế độ điều trị và biết cách tự chăm sóc sau khi ra viện.