Chương trình giáo dục phổ thông môn Địa lý

Dự thảo môn Địa lí chương trình giáo dục phổ thông mới

Bản in

Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông môn Địa lý

Chiều 19/1, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức họp báo thông tin về dự thảo chương trình 20 môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Dưới đây là nội dung chi tiết dự thảo môn Địa lý chương trình giáo dục phổ thông mới.

Các môn học trong chương trình giáo dục phổ thông mới

Phân phối chương trình môn Địa lý bậc THPT

CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG MÔN ĐỊA LÍ(Dự thảo ngày 19 tháng 01 năm 2018)

style=”text-align:center”>

I. ĐẶC ĐIỂM MÔN HỌC

Giáo dục Địa lí được thực hiện ở tất cả các cấp học phổ thông. Ở tiểu học và trung học cơ sở, nội dung giáo dục địa lí nằm trong môn Lịch sử và Địa lí; còn ở trung học phổ thông, Địa lí là môn học độc lập thuộc nhóm các môn học được lựa chọn.

Địa lí góp phần hình thành và phát triển các phẩm chất và năng lực chung, đồng thời phát triển các năng lực chuyên môn gắn liền với đặc thù của môn học như: nhận thức thế giới theo quan điểm không gian, giải thích các hiện tượng và quá trình địa lí, sử dụng các công cụ của Địa lí học; thu thập, xử lí và truyền đạt thông tin địa lí; vận dụng kiến thức, kĩ năng địa lí vào thực tiễn.

Là môn học vừa thuộc lĩnh vực khoa học xã hội (Địa lí kinh tế – xã hội) vừa thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên (Địa lí tự nhiên), môn Địa lí giúp học sinh nắm được những đặc điểm tổng quát của khoa học Địa lí, các ngành nghề có liên quan đến địa lí, khả năng ứng dụng kiến thức địa lí trong đời sống; đồng thời, củng cố và mở rộng nền tảng tri thức, kĩ năng phổ thông cốt lõi đã được hình thành ở giai đoạn giáo dục cơ bản, tạo cơ sở vững chắc giúp học sinh tiếp tục theo học các ngành nghề có liên quan.

II. QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH

1. Cụ thể hoá Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể

Chương trình môn Địa lí cụ thể hoá các quy định cơ bản được nêu trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, gồm: a) định hướng chung cho tất cả các môn học như: quan điểm, mục tiêu, yêu cầu cần đạt, kế hoạch giáo dục và các định hướng về nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả, điều kiện thực hiện và phát triển chương trình; b) định hướng xây dựng chương trình giáo dục khoa học xã hội.

2. Xây dựng theo định hướng phát triển năng lực

Chương trình môn Địa lí xác định rõ các phẩm chất và năng lực có thể hình thành, phát triển qua môn Địa lí. Một mặt, chương trình coi các yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực là cơ sở và điểm xuất phát để lựa chọn các nội dung dạy học; mặt khác, chương trình hình thành và phát triển các phẩm chất và năng lực cho học sinh thông qua việc hướng dẫn học sinh tiếp thu và vận dụng hệ thống kiến thức cơ bản của môn học.

3. Kế thừa và phát huy ưu điểm của các chương trình đã có

Chương trình môn Địa lí kế thừa và phát huy ưu điểm của những chương trình đã có, tiếp thu kinh nghiệm phát triển chương trình môn học của các nước có nền giáo dục tiên tiến, tiếp cận với những thành tựu của khoa học Địa lí; phù hợp với thực tiễn xã hội, giáo dục, điều kiện và khả năng học tập của học sinh ở các vùng, miền khác nhau. Nội dung được thiết kế theo ba mạch: địa lí đại cương, địa lí thế giới, địa lí Việt Nam, bao gồm kiến thức về địa lí tự nhiên và địa lí kinh tế – xã hội; phát triển, mở rộng và nâng cao nội dung địa lí đã học ở cấp trung học cơ sở; bảo đảm tinh gọn, cơ bản, cập nhật các tri thức khoa học, hiện đại của Địa lí học, các vấn đề về phát triển của thế giới, khu vực, Việt Nam và của các địa phương. Các nội dung và yêu cầu cần đạt đưa vào chương trình có tính đến sự phù hợp với thực tế dạy học hiện nay ở trường phổ thông trong định hướng phát triển.

4. Chú trọng tích hợp, thực hành

Chương trình môn Địa lí chú trọng tích hợp, thực hành, gắn nội dung môn học với thực tiễn nhằm rèn luyện cho học sinh kĩ năng vận dụng kiến thức địa lí vào việc tìm hiểu và giải quyết ở mức độ nhất định một số vấn đề của thực tiễn, đáp ứng đòi hỏi của cuộc sống.

Tính tích hợp được thể hiện ở nhiều mức độ và hình thức khác nhau: Tích hợp giữa các kiến thức địa lí tự nhiên, địa lí dân cư, xã hội và địa lí kinh tế trong môn học; lồng ghép các nội dung liên quan (như giáo dục dân số, giới tính, tài chính, môi trường, di sản, an toàn giao thông,…) vào nội dung địa lí; vận dụng kiến thức các môn học khác (Vật lí, Hoá học, Sinh học, Lịch sử,…) trong việc làm sáng rõ các kiến thức địa lí; hội tụ kiến thức nhiều lĩnh vực khác nhau để xây dựng thành các chủ đề có tính tích hợp cao (như phát triển kinh tế biển đảo, biến đổi khí hậu toàn cầu, đô thị hoá ở trên thế giới, phát triển bền vững,…).

Chương trình xem thực hành, luyện tập, vận dụng là nội dung quan trọng, đồng thời là công cụ thiết thực, hiệu quả để phát triển năng lực học sinh. Nội dung này được tăng cường thời gian thực học của chương trình với các hình thức, nội dung và phương pháp đa dạng; chú trọng việc vận dụng kiến thức địa lí vào thực tiễn nhằm trực tiếp phát triển các năng lực chuyên môn của Địa lí.

5. Có tính mở, phân hoá và định hướng nghề nghiệp

Trên cơ sở bảo đảm định hướng, yêu cầu cần đạt và những nội dung giáo dục cốt lõi thống nhất trong cả nước, chương trình dành thời lượng nhất định để các trường hướng dẫn học sinh thực hành tìm hiểu địa lí địa phương phù hợp với điều kiện của mình.

Các nội dung cốt lõi của chương trình được trình bày theo hướng khái quát, không đi sâu vào chi tiết, tạo điều kiện cho tác giả sách giáo khoa và giáo viên các trường chủ động, sáng tạo trong thực hiện chương trình; đồng thời đáp ứng yêu cầu ổn định lâu dài của chương trình trong điều kiện khoa học, công nghệ và xã hội liên tục phát triển, thường xuyên đặt ra những yêu cầu mới cho giáo dục.

Đối với những học sinh có định hướng nghề nghiệp cần sử dụng nhiều kiến thức địa lí, chương trình có các chuyên đề học tập ở mỗi lớp. Các chuyên đề của chương trình môn Địa lí chủ yếu thuộc về ba nhóm: a) Nâng cao kiến thức; b) Phát triển, hoàn thiện kĩ năng địa lí; c) Bồi dưỡng phương pháp nghiên cứu, học tập địa lí; nhằm thực hiện yêu cầu phân hoá sâu, giúp học sinh tăng cường kiến thức và kĩ năng thực hành, vận dụng kiến thức vào giải quyết một số vấn đề thực tiễn, đáp ứng yêu cầu định hướng nghề nghiệp.

Mời các bạn tải file đầy đủ về tham khảo.