Dụ con nít gọi điện thoại | Hỏi gì?

Phóng to

Với giải thưởng là chiếc xe điều khiển từ xa, bộ phim hoạt hình Sấm chớp và tốc độ (trên kênh Sao TV) đã làm các khán giả nhí lên “cơn sốt”- Ảnh chụp qua tivi

Cứ mỗi tháng cầm hóa đơn tính tiền điện thoại, chị Trang Hương, nhà ở P.7, Q.Tân Bình, TP.HCM, lại lắc đầu ngao ngán vì chỉ riêng số điện thoại mà con chị gọi đến 1900… tốn gần cả trăm ngàn đồng. “Cứ mỗi lần nhìn hóa đơn là tôi muốn mắng thằng con trai đang học lớp 5 một trận nhưng lại thấy tội nghiệp. Thôi thì mỗi tháng mất một ít tiền cho con thử sức một chút, chẳng đáng là bao” – chị cười méo xệch.

Nỗi ám ảnh “1900…”

Mất một ít tiền hằng tháng với gia đình chị Hương không đáng kể. Nhưng “góp gió thành bão”, số tiền mà các tổng đài kinh doanh dịch vụ thu được quả thật đáng giá. Bởi thế, nếu như trước đây chỉ có mỗi tổng đài Chị Thỏ Ngọc hoạt động thì nay có đến chục tổng đài kinh doanh dịch vụ này. Cứ khoảng sau ba bộ phim hoạt hình (khoảng bảy phút) là một loạt tổng đài với nhiều nội dung khác nhau lập tức nhảy vào chiếm sóng. Nào là Thế giới ABC, Alô Ting Ting, Tổng đài chị Ong Nâu, Xứ sở Pip…

Tổng đài Chị Thỏ Ngọc ngày càng bày ra nhiều “trò” như Đấu trường IQ, Dũng sĩ Rika, Xứ sở truyện, Chiếc mũ tư duy, Truy tìm đồ chơi, Thợ săn siêu đẳng, Bộ sưu tập huy hiệu… Còn trên kênh Bibi dường như thấy thời lượng như vậy vẫn chưa đủ nên trong khi phát sóng nội dung phim hoạt hình, những dòng chữ mời gọi các em gọi điện đến tổng đài 1900… vẫn liên tục chạy trên chân màn hình, bất chấp khán giả có bị phân tâm khi xem nội dung hay không!

Vừa qua, nhiều khán giả nhí mê mải với bộ phim hoạt hình Sấm chớp và tốc độ do Trung Quốc sản xuất phát sóng trên kênh hoạt hình SaoTV (SCTV3). Mỗi ngày phim phát sóng đến bốn lần, sau mỗi lần lại đưa ra câu hỏi với giải thưởng là xe điều khiển từ xa. Để trả lời chỉ có cách duy nhất là gọi đến tổng đài 1900… Anh Linh, hiện sống ở Long An, than thở bộ phim khiến con và các cháu anh nằng nặc đòi mua xe cho bằng được.

Anh nói: “Số tiền để mua chiếc xe này đâu rẻ chút nào, hơn 100.000 đồng. Hơn thế nữa, chúng ta hiện nay đang phát động phong trào người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, vậy mà bộ phim này không biết vô tình hay cố ý quảng cáo cho đồ chơi của Trung Quốc”.

6biO8FFV.jpgPhóng to

Nhà dịch vụ chỉ thông báo cước phí điện thoại qua dòng chữ chạy dưới chân màn hình – Ảnh chụp qua tivi

Hiệu ứng dây chuyền

Một điều mà “ai cũng hiểu chỉ con nít chưa hiểu” là gọi điện thoại đến tổng đài 1900… đều bị mất tiền. Chị Thỏ Ngọc cứ dịu dàng mời gọi các em nhắn tin để nghe những câu chuyện cổ tích hấp dẫn, kêu gọi các em: “Ai sẽ là người tiếp nối dũng sĩ Rika tiêu diệt cái ác…”, Alô Ting Ting giục giã các em hãy thử giọng để trở thành ca sĩ nhận quà … nhưng tuyệt nhiên chị Thỏ Ngọc, Ting Ting không hề nhắc nhở các bé nhớ xin phép ba mẹ trước khi gọi điện thoại. Nhà dịch vụ chỉ thông báo mức phí khi gọi điện đến tổng đài bằng một dòng chữ chạy dưới chân màn hình. Dòng chữ ấy nhỏ và mờ đến nỗi người lớn phải căng mắt mới có thể đọc được. Vậy thì trẻ nhỏ, đặc biệt là những bé chưa đến tuổi đi học, làm sao biết được?

Chị Trang Hương cho rằng: “Việc nhà đài phát rôm rả những chương trình trúng thưởng chẳng khác gì hình thức dụ con nít. Trẻ thơ thấy có quà là ham, tham gia liên tục. Khi biết mình không trúng giải thì buồn bã hỏi ba mẹ tại sao con tham gia hoài mà không được! Theo tôi, mất tiền không thành vấn đề, nghiêm trọng hơn là điều này khiến tụi nhỏ mất lòng tin vào người lớn”.

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Linh cho biết con chị khi xem Sấm chớp và tốc độ cũng rất mê và gọi điện thoại đến tổng đài. Không những thế, bọn trẻ đến trường kể cho nhau nghe tạo nên một hiệu ứng dây chuyền rộng rãi. Theo chị: “Chi phí dịch vụ cho tổng đài hiện nay khá cao. Khi trẻ gọi đến tổng đài tham gia dịch vụ, số tiền chắc chắn sẽ không nhỏ. Thiết nghĩ các công ty cần phải điều tiết lại để đưa ra một mức phí phù hợp hơn”.

Chị cũng nhắn gửi đến các bậc phụ huynh có con vướng vào niềm đam mê “1900…”: “Cha mẹ cần có lời giải thích rõ ràng để trẻ hiểu gọi điện sẽ tốn tiền cha mẹ nhiều. Nếu cha mẹ cấm đoán mà không giải thích, trẻ – nhất là những em trong độ tuổi lên 10 – vốn hay tò mò, khám phá sẽ chuyển sang gọi điện thoại lén và nói dối cha mẹ là không gọi. Hành vi này sẽ dẫn đến thói quen không tốt là lừa dối”.

Hiện nay phí dịch vụ gọi đến tổng đài Chị Thỏ Ngọc, Alô Ting Ting là 909 đồng/phút cho điện thoại cố định, 1.818 đồng/phút cho điện thoại di động. Một số tổng đài khác như tổng đài Thế giới ABC giá cước là 1.500 đồng/phút (cố định) và 3.000 đồng/phút (di động), tổng đài Chị ong nâu giá cước 1.364 đồng/phút (cố định), 1.682 đồng/phút (di động).

Dù giá tiền dịch vụ gọi đến các tổng đài có khác nhau nhưng có một đặc điểm chung là khi có cuộc gọi đến, tổng đài dành gần một phút để cài lời chào hỏi, giới thiệu về tổng đài. Nhưng ngay khi người gọi nhấc máy tổng đài đã tính tiền.