Sản xuất con giống – khâu đột phá của chăn nuôi

Nhờ nỗ lực ứng dụng công nghệ trong sản xuất con giống, Hà Nội không chỉ đáp ứng đủ nhu cầu phát triển chăn nuôi đại trà trên địa bàn TP mà còn cung cấp nguồn giống chất lượng cao cho các tỉnh, thành trên cả nước.

Trong chăn nuôi, con giống đóng vai trò quan trọng quyết định đến năng suất, chất lượng sản phẩm. Vì vậy, hơn 10 năm qua, Hà Nội luôn định hướng phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất con giống chất lượng cao. Trung bình mỗi năm, các trang trại chăn nuôi sản xuất hơn 4 triệu con lợn giống, nâng tỷ lệ lợn nuôi bằng giống chất lượng cao trên địa bàn TP chiếm hơn 90% tổng đàn.

>>> Xem thêm: Lão nông triệu phú từ chăn nuôi

Sản xuất con giống - khâu đột phá của chăn nuôi

Đối với gia cầm, trung bình mỗi năm TP sản xuất 100 triệu con gia cầm giống chất lượng, đưa tỷ lệ sử dụng giống chất lượng trong chăn nuôi gà công nghiệp chiếm 45% tổng đàn, gà ta là 55% tổng đàn.

Điểm đáng nghi nhận trong sản xuất giống vật nuôi của Hà Nội là đã thực hiện thành công Dự án lai tạo giống bò thịt BBB trên nền đàn bò lai Sind thành đàn bò lai F1 BBB hướng thịt. Dự án này đã tạo ra 130.000 con bê F1 BBB. Hiện nay, sản xuất giống bò lai F1 BBB của Hà Nội không những đáp ứng đủ nhu cầu phát triển chăn nuôi của người dân trên địa bàn TP mà còn cung cấp 50% con giống cho nhiều tỉnh, thành với giá bán bê giống F1 BBB cao hơn các giống khác từ 5 – 7 triệu đồng/con.

Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa cho biết, TP đã và đang tăng cường đưa giống mới năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, cùng với đó, duy trì, phát triển các giống bản địa. Đơn cử, trong việc sản xuất giống gia cầm, các DN, trang trại chăn nuôi tập trung chọn tạo giống bản địa, gồm: Gà ri, gà mía, vịt cỏ… đồng thời nhập nội giống gia cầm bố mẹ. Đáng chú ý, để chủ động tạo nguồn con giống chất lượng, TP đã có chính sách hỗ trợ 100% tinh nhân tạo cho các trang trại chăn nuôi cùng vật tư, dụng cụ, thiết bị phục vụ việc thụ tinh nhân tạo và tiền công cho dẫn tinh viên.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp đẩy mạnh tập huấn, hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật cho người dân về chăm sóc nuôi dưỡng vật nuôi theo từng công đoạn để đạt năng suất ở mức tốt nhất.
Để thực hiện mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất giống gia súc, gia cầm hàng đầu của cả nước, thời gian tới, ngành nông nghiệp Hà Nội tiếp tục hỗ trợ các trang trại thụ tinh nhân tạo cho 100% đàn bò sữa, bò thịt tại các xã trọng điểm với các giống bò chất lượng cao như Wagyu, BBB… Mặt khác, Hà Nội chú trọng phát triển đàn lợn nái ngoại và nái thuần với mục tiêu năm 2020 chiếm hơn 90% tổng đàn và chiếm 95% vào năm 2030. Đồng thời, phát triển 5% đàn lợn nái giống bản địa, trong chăn nuôi gia cầm, duy trì các giống bản địa đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng.