Những điều cần biết khi tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ

Những điều cần lưu ý khi đi tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em

style=”text-align:center”>

Từ tháng 11-2021, chiến dịch tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ em trên toàn quốc sẽ được tổ chức với loại vắc xin Pfizer của Hoa Kỳ sản xuất. Vậy khi tiêm vắc xin Covid19 cho trẻ em cần lưu ý những gì? Sau đây là những điều cần biết khi tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ, mời các bạn cùng tham khảo.

Hiện nay TP Hồ Chí Minh sẽ là tỉnh thành đầu tiên trên cả nước triển khai tiêm vắc xin Covid19 cho trẻ em. Vậy cha mẹ cần chuẩn bị gì cho trẻ trước, trong và sau khi tiêm vắc xin?

PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng – trưởng khoa y tế công cộng, ĐH Y dược TP.HCM – cho biết, nguyên tắc tạo miễn dịch bảo vệ ở trẻ em tương tự như người lớn.

Tuy nhiên, đối với từng loại vắc xin cụ thể và lứa tuổi của trẻ, liều trong mỗi mũi tiêm hoặc số lần tiêm để đạt miễn dịch cơ bản có thể khác nhau.

Có nên cho trẻ uống thuốc bổ trước khi tiêm Covid19

Tất cả các loại vaccine phòng Covid-19 đều đã được thử nghiệm trên những người có chế độ ăn uống bình thường. Điều này có nghĩa là vaccine đã được chứng minh có hiệu quả mà không cần bất kỳ chế độ dinh dưỡng đặc biệt nào.

Tuy nhiên, một thực đơn ăn uống hỗ trợ khoa học, hợp lý sẽ tốt cho nhu cầu của cơ thể, kể cả trước và sau khi tiêm vaccine. Trước khi tiêm vaccine Covid-19, không cần cho trẻ uống thuốc bổ mà cần bổ sung đủ nước cho cơ thể, bổ sung thêm vitamin C, ngủ sớm, nghỉ ngơi trước ngày tiêm, không tự ý ngưng thuốc với trẻ có bệnh mạn tính.

Để hỗ trợ tốt nhất cho hệ thống miễn dịch sau khi tiêm chủng, nên ưu tiên bổ sung các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng và kháng viêm. Lưu ý bổ sung thêm các loại thực phẩm nguyên hạt có nhiều vitamin, khoáng chất, tốt cho sức khỏe như: bánh mì nguyên hạt, yến mạch, gạo lứt, bắp… Bổ sung rau vào bữa trưa và bữa tối, kết hợp thêm trái cây vào bữa sáng và những bữa ăn nhẹ hàng ngày. Cần thiết lập chế độ dinh dưỡng giàu vitamin và khoáng chất cho cơ thể.

BS.CKI Bạch Thị Chính
Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC

Khoảng cách giữa hai mũi tiêm vaccine Covid-19 dành cho trẻ

Từ ngày 27/10, Sở Y tế TP.HCM bắt đầu tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em ở quận 1 (3 điểm) và huyện Củ Chi (6 điểm).

Loại vaccine được tiêm là Pfizer, liệu trình hai liều, mỗi liều 0,3 ml, tương tự ở người lớn. Khoảng cách giữa hai mũi tiêm là 21 ngày. Liều thứ 2 có thể được tiêm sau 6 tuần tiêm mũi 1 nếu cần thiết.

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) khuyến cáo học sinh sau tiêm phải được theo dõi tại chỗ ít nhất 30 phút, trước khi ra về được cấp giấy xác nhận tiêm chủng cùng với hướng dẫn theo dõi tại nhà, trong đó có thông tin số điện thoại của cơ sở y tế để liên hệ khi cần.

Sở Y tế cũng yêu cầu đơn vị y tế phải phân công nhân sự trực 24/7 để tiếp nhận thông tin phản ứng sau tiêm từ gia đình học sinh và hướng dẫn xử lý kịp thời.

HCDC khuyến cáo trước khi tiêm phòng, phụ huynh nên chuẩn bị tinh thần cho trẻ bằng cách nói chuyện về những gì sẽ xảy ra. Bên cạnh đó, trẻ sẽ được khám sàng lọc trước tiêm. Do đó, cha mẹ cần nói với bác sĩ về bất kỳ loại dị ứng nào mà trẻ có thể mắc để bác sĩ đưa ra chỉ định tiêm phòng phù hợp trong buổi khám sàng lọc.

Theo Sở Y tế TP.HCM, trẻ em tại thành phố sẽ được tiêm mũi 1 trong 5 ngày, tiêm vét trong 2 ngày. Mũi 2 tiêm trong 7 ngày, sau khi các cháu đã đủ thời gian khoảng cách giữa 2 liều, ưu tiên tiêm trước cho lứa tuổi 16-17 và hạ dần độ tuổi. Dự kiến, khoảng 780.000 trẻ trong độ tuổi 12-17 tuổi cần tiêm vaccine Covid-19.

Trẻ cần uống nước đầy đủ trước khi tiêm vắc xin

Do chưa trưởng thành nên trẻ khi đi tiêm vắc xin cần được cha mẹ quan tâm 4 đặc điểm.

1. Trẻ thường chưa hiểu được lợi ích của việc tiêm chủng nên có thể không tự nguyện và hợp tác để được tiêm ngừa.

2. Trẻ không biết tự khai báo về tình trạng sức khỏe và tiền sử y tế của mình.

3. Trẻ thường có khả năng chịu đau kém hơn người lớn nên có thể khóc hoặc giãy giụa khi được tiêm.

4. Trẻ chưa có kinh nghiệm để nhận biết các dấu hiệu của bản thân như mệt, chóng mặt, ngứa ngáy trong người, khó thở.

Vì vậy, phụ huynh cần giải thích về lợi ích của tiêm chủng, quy trình tiêm chủng cho trẻ với ngôn ngữ phù hợp với lứa tuổi, hướng dẫn trẻ chuẩn bị và ứng phó khi bị đau trong khi tiêm và sau khi tiêm, theo dõi trẻ chặt chẽ sau tiêm.

Phụ huynh nên thông tin (trực tiếp hoặc qua tờ khai báo y tế về tiền sử dị ứng, phản vệ và các bệnh nền) cho nhân viên y tế phụ trách tiêm chủng. Có dinh dưỡng tốt là quan trọng trong việc tạo miễn dịch cho trẻ nhưng việc này cần được làm thường xuyên kể cả khi trẻ không có lịch tiêm chủng.

Vì thế, trước ngày tiêm mà cha mẹ cho trẻ ăn uống thêm các loại thức ăn đặc biệt hoặc uống thuốc bổ trước ngày đi tiêm phải cân nhắc đến việc có thể làm cho trẻ cảm thấy căng thẳng hơn, không có lợi cho việc tiêm chủng. Tuy nhiên, phụ huynh cần thiết phải nhắc nhở và cho trẻ uống nước đầy đủ.

Cha mẹ hướng dẫn trẻ thế nào trong lúc tiêm vắc xin?

Cha mẹ có cần phải xem xét loại vắc xin và cách thực hiện tiêm chủng của nhân viên y tế khi đưa trẻ đến khu vực tiêm vắc xin? Theo PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng, thông thường cha mẹ chưa có đủ kiến thức và kỹ năng để đánh giá nhân viên tiêm chủng (trừ khi phụ huynh cũng là người làm trong lĩnh vực y tế).

Tuy nhiên, thể hiện sự tôn trọng, hợp tác và chú ý quan sát (một cách chung nhất) hành vi tiêm chủng của nhân viên y tế sẽ là động lực để nhân viên y tế thực hành tiêm chủng ở mức độ chuyên nghiệp cao nhất.

Ngoài ra cha mẹ cũng có thể đề nghị trẻ thực hành quan sát như bác sĩ có đeo khẩu trang không, bác sĩ tiêm ở tay phải hay tay trái, trước khi tiêm có khử khuẩn da vùng tiêm hay không.

Việc thực hành này không phải để phát hiện việc đúng, sai của nhân viên y tế mà giúp cho trẻ có đầu óc quan sát và làm sao nhãng sự lo sợ của trẻ trước khi tiêm.

Sau tiêm phải chăm sóc trẻ thế nào?

Sau khi trẻ đã tiêm chủng, bác sĩ Đỗ Văn Dũng cho rằng cha mẹ cần lưu ý hai điều:

1. Gia đình phải thông cảm với sự sợ hãi hay cảm giác đau của trẻ.

2. Phụ huynh cần phòng ngừa và phát hiện những biến chứng có thể xảy ra sau tiêm. Vì vậy, nếu trẻ khóc trong hoặc sau khi tiêm cần an ủi, ôm trẻ vào lòng. Ở trẻ nhỏ có thể có một số thủ thuật giúp trẻ vượt qua cảm giác đau.

Ví dụ, bảo rằng con phải hít hơi sâu vào và thổi mạnh vào chỗ tiêm để “thổi bay đau”. Việc hít thở sâu vừa giúp trẻ tốt hơn về hô hấp vừa tạo tác động tâm lý giúp trẻ giảm cảm giác đau.

Ở trẻ, do cảm giác đau có thể rất mạnh hoặc do lo sợ khiến trẻ có thể bị ngất sau tiêm nên cho trẻ nằm nghỉ, ngồi nghỉ ít nhất 15 phút trong lúc theo dõi các phản ứng phản vệ. Phụ huynh cần quan sát sắc mặt của trẻ, hỏi trẻ có cảm giác gì lạ, bất thường hay không.

Sau khi tiêm trẻ có thể gặp một số triệu chứng như đau, sưng, đỏ tại chỗ tiêm, sốt, ớn lạnh, đau cơ, mệt mỏi, nhức đầu, buồn nôn… Các triệu chứng này không được gọi là biến chứng vì thường tự khỏi trong 1 hoặc 2 ngày.

Nếu trẻ khó chịu nhiều có thể dùng khăn mát hạ nhiệt, chườm vào chỗ tiêm, sử dụng paracetamol theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Cho trẻ uống nước đầy đủ. Không nên uống thuốc hạ sốt giảm đau trước khi tiêm hoặc khi chưa bị đau sốt.

Tùy theo loại vắc xin, trẻ có thể gặp biến chứng rất hiếm gặp sốc phản vệ (thường xảy ra trong vòng 15 phút sau tiêm) và một số biến chứng khác. Để giảm nguy cơ phản vệ cần thông báo cho nhân viên y tế về tiền sử dị ứng, phản vệ với thuốc hoặc vắc xin của trẻ.

Cần quan sát các dấu hiệu như mệt lả, ngứa, sưng mặt, khó thở ở trẻ trong vòng 15 phút sau tiêm. Các biến chứng khác rất khó nhận định nên điều quan trọng là phụ huynh phải theo dõi trẻ và khai báo các triệu chứng bất thường cho cơ quan y tế.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Phổ biến pháp luật của Thiquocgia.vn.