Mất chứng minh nhân dân, làm CCCD gắn chip thế nào?

Làm CCCD gắn chip có cần xuất trình CMND cũ?

Theo Điều 12 Thông tư 07/2016/TT-BCA, sửa đổi bởi Thông tư 40/2019/TT-BCA, khi làm CCCD, công dân điền vào Tờ khai Căn cước công dân (trực tiếp hoặc qua cổng dịch vụ công trực tuyến).

Cán bộ tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp thẻ Căn cước công dân tại cơ quan quản lý căn cước công dân kiểm tra, đối chiếu thông tin của công dân trong Tờ khai căn cước công dân với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được kết nối với Cơ sở dữ liệu căn cước công dân để xác định chính xác người cần cấp thẻ và thống nhất các nội dung thông tin về công dân.

Trường hợp Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chưa đi vào vận hành thì yêu cầu công dân xuất trình sổ hộ khẩu. Trường hợp thông tin trên sổ hộ khẩu chưa đầy đủ hoặc không thống nhất với thông tin công dân khai trên Tờ khai Căn cước công dân thì yêu cầu công dân xuất trình Giấy khai sinh, Chứng minh nhân dân cũ hoặc các giấy tờ hợp pháp khác về những thông tin cần ghi trong Tờ khai Căn cước công dân.

Theo những quy định trên đây, nếu Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đi vào hoạt động, thu thập đầy đủ thông tin của công dân và được kết nối với Cơ sở dữ liệu căn cước công dân thì người dân không phải mang theo giấy tờ gì khi đi làm CCCD gắn chip.

Tuy nhiên, hiện nay, Cơ sở dữ liệu này chưa hoàn chỉnh, người dân cần xuất trình sổ hộ khẩu để cán bộ làm CCCD kiểm tra, đối chiếu thông tin.

Nếu trên Sổ hộ khẩu vẫn chưa đầy đủ thông tin nào thì mới cần xuất trình các giấy tờ tiếp theo như khai sinh, Chứng minh nhân dân cũ hoặc giấy tờ khác để kiểm tra, đối chiếu.

Như vậy, làm CCCD gắn chip người dân không bắt buộc xuất trình Chứng minh nhân dân cũ. Đặc biệt, nếu Sổ hộ khẩu đã có đầy đủ thông tin người dân đã khai trên Tờ khai.

thu tuc lam cccd gan chip khi bi mat cmnd Thủ tục làm CCCD gắn chip khi bị mất CMND? (Ảnh minh họa)

Thủ tục làm CCCD gắn chip khi mất CMND cũ?

Căn cứ: Luật Căn cước công dân 2014, Thông tư 07/2016/TT-BCA, Thông tư 40/2019/TT-BCA.

Đến đâu để xin cấp CCCD gắn chip?

Tính đến đầu tháng 03/2021, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư dù đã khai trương nhưng vẫn chưa thu thập đầu đủ thông tin về công dân. Khi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân chưa đi vào vận hành hoặc chưa thu thập đầy đủ thông tin về công dân thì thực hiện phân cấp giải quyết cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân theo Điều 16 Thông tư 07/2016/TT-BCA như sau:

1. Cơ quan quản lý căn cước công dân Công an cấp huyện và đơn vị hành chính tương đương tiếp nhận hồ sơ giải quyết các trường hợp cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân cho công dân có nơi đăng ký thường trú tại địa phương đó.

2. Cơ quan quản lý căn cước công dân Công an cấp tỉnh tiếp nhận hồ sơ cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân cho công dân có nơi đăng ký thường trú trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đó; các trường hợp đổi thẻ Căn cước công dân theo quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 23 Luật căn cước công dân và cấp lại thẻ Căn cước công dân đối với công dân có nơi đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác.

3. Cơ quan quản lý căn cước công dân Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ đổi thẻ Căn cước công dân khi công dân có yêu cầu và các trường hợp đặc biệt khác do thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước công dân Bộ Công an quyết định.

Trường hợp người dân đang sử dụng CMND cũ xin cấp CCCD gắn chip thuộc trường hợp xin cấp CCCD. Như vậy, thẩm quyền cấp thuộc về Công an cấp huyện hoặc tỉnh nơi có hộ khẩu thường trú.

Giấy tờ cần chuẩn bị

Theo Điều 12 Thông tư 07 và khoản 2 Điều 1 Thông tư 40, người dân làm CCCD cần chuẩn bị:

– Tờ khai cấp CCCD (khai trực tiếp tại công an hoặc qua cổng dịch vụ công trực tuyến).

– Sổ hộ khẩu (do Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân chưa đi vào vận hành);

– Pháp luật hiện hành không quy định nhưng một số địa phương yêu cầu công dân xuất trình giấy giới thiệu đổi CMND sang CCCD của công an cấp xã (nêu rõ bị mất CMND cũ), sau đó đến làm thủ tục tại công an cấp huyện.

Sau khi mang đầy đủ giấy tờ, công an huyện sẽ lăn tay, chụp chân dung, thu lệ phí và trả giấy hẹn lấy kết quả cho người dân. Người dân đi lấy CCCD theo thời gian ghi trên giấy hẹn hoặc yêu cầu trả qua đường bưu điện (tự trả phí).

Xem thêm: Lệ phí cấp Căn cước công dân gắn chip

Thời hạn cấp CCCD theo Điều 25 Luật CCCD là: Tại thành phố, thị xã không quá 07 ngày làm việc; Tại các huyện miền núi vùng cao, biên giới, hải đảo không quá 20 ngày làm việc; Tại các khu vực còn lại không quá 15 ngày làm việc.

Mất CMND 9 số có được xác nhận số CMND?

Việc xác nhận số CMND cũ khi cấp CCCD gắn chip nhằm xác nhận số CMND cũ và số CCCD mới là cùng một người, giúp người dân thuận lợi trong việc thực hiện các thủ tục hành chính…

Theo Thông tư 40/2019/TT-BCA, trường hợp công dân mất CMND 9 số khi làm thủ tục cấp thẻ CCCD, cơ quan tiếp nhận hồ sơ cấp thẻ Căn cước công dân có trách nhiệm cấp Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân 9 số đã mất, trả cho công dân cùng với thẻ Căn cước công dân.

Trường hợp công dân đã được cấp thẻ CCCD nhưng chưa được cấp Giấy xác nhận số CMND hoặc bị mất Giấy xác nhận thì cần làm văn bản đề nghị cấp Giấy xác nhận số CMND, xuất trình bản chính và nộp bản sao thẻ Căn cước công dân, bản sao CMND 9 số (nếu có) cho cán bộ tiếp nhận hồ sơ tại cơ quan quản lý căn cước công dân nơi đã làm thủ tục cấp thẻ CCCD.

Thời hạn cấp Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân là 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ: 1900.6192 để được hỗ trợ.