Nhà Cách mạng Mai Thị Lựu – một đường phố ở quận I (TP Hồ Chí Minh) được đặt tên bà

Tập sách “NHỮNG CON ĐƯỜNG MANG TÊN PHỤ NỮ Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH”, Nhà xuất bản phụ nữ xuất bản tháng 12/2001 đã viết về những tấm gương phụ nữ trong chiến đấu và sản xuất nhằm cung cấp thêm cho độc giả thông tin về những con đường hàng ngày ta gần gũi tiếp cận, đi về nhưng không hẳn là ai cũng biết rõ về nó. Những phụ nữ có tên đường trong tập sách này như: Mai Am, Sương Nguyệt Ánh, Cô Bắc, Mạc Thị Bưởi, Bạch Cát, Lê Chân, Âu Cơ, Nguyễn Thị Diệu, Đoàn Thị Điểm, Lê Thị Hồng Gấm, Cô Giang, Công chúa Ngọc Hân, Bà Hạt, Lý Chiêu Hoàng, Bà Hom, Hồ Xuân Hương, Nguyễn thị Hùynh, Nguyễn Thị Minh Khai, Bà Ký, Hồ Thị Kỷ, Bà Lài, Ỷ Lan, Mai Thị Lựu, Dương Vân Nga, Nguyễn Thị Nghĩa, Võ Thị Sáu, Bà Triệu, Bà Trưng, Bùi Thị Xuân,.. Đường Mai Thị Lựu nằm trên địa bàn phường Đakao, quận 1.

Bà Mai Thị Lựu (Ba Yêm) – sinh năm 1900, trong một gia đình tiểu thương tại xã Song Lộc, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, nay là phường Nghi Hải, Thị xã Cửa Lò. Bà là chị gái của 5 người em (3 trai, 2 gái). Cuộc đời bà không được may mắn như những người phụ nữ khác ở nơi mảnh đất giàu nghĩa khí này. Thời đó gia đình đủ điều kiện và khả năng cho Bà ăn học bằng chị bằng em nhưng người con gái ấy nung nấu trong tim khát vọng đi làm cách mạng giúp đồng bào thoát cảnh nô lệ lầm than. Năm 20 tuổi bà kết hôn với ông Hoàng Đức Bình một học sinh nghèo là Đảng viên Đảng Tân Việt một đảng hoạt động công khai hợp pháp nhưng có khuynh hướng cộng sản.

Tháng 6/1930 bà được kết nạp vào Đảng cộng sản Đông dương, rồi từ đó bà làm giao liên cho xứ ủy Trung kỳ, rất được Đảng và đồng bào tín nhiệm. Vào thời điểm này chồng bà bị địch bắt trong lúc đang diễn thuyết kêu gọi đồng bào tham gia biểu tình giảm sưu cao thuế nặng. Sau đó bà cũng bị địch bắt do bị chỉ điểm nhưng được tổ chức Đảng giải thoát khỏi nhà tù.

Năm 1932 cơ sở Đảng bị lộ bà vào liên khu 5 tiếp tục xây dựng cơ sở cách mạng. Do yêu cầu công tác phải thoát ly khỏi gia đình, bà phải thuyết phục gia đình cưới vợ khác cho chồng. Dù hai ông bà vẫn rất thương yêu nhau, nhưng vì nghĩa lớn dân tộc nên bà vẫn phải quyết định theo ý của mình. Từ đó theo sự phân công của Đảng bà đã nhận trách nhiệm về mình với những công việc rất khó khăn nguy hiểm đến tính mạng.

Năm 1937 bà được cử sang Lào xây dựng cơ sở Đảng trong giới Việt kiều để tìm kiếm thông tin phục vụ cho cách mạng Việt nam. Thời gian này biết mẹ bị lâm bệnh rồi qua đời, nhưng do hoàn cảnh công tác bà không thể về quê thăm viếng phải kìm lòng với sự đau đớn, khổ tâm vì không trọn hiếu với người sinh thành dưỡng dục – như lời bà tâm sự khi đang còn sống. Từ năm 1940 bà nhận nhiệm vụ trở về Sài Gòn hoạt động rồi bị địch bắt, lại vào tù ra tội nhiều lần. Khi giặc Pháp chiếm lại Sài Gòn bà tham gia mặt trận Việt minh, đươc Đảng cử phụ trách hội trưởng Hội phụ nữ cứu quốc Sài Gòn – Chợ lớn… Đến năm 1956 cơ sở bị lộ, bà được Đảng điều lên Campuchia hoạt động. Do chứng bệnh sốt rét hoành hành cùng bệnh gan tái phát sức khỏe bà suy sụp nhanh chóng. Tổ chức đưa bà ra Bắc chữa bệnh. Sau ngày thống nhất 1975 bà trở lại Sài Gòn.

Để tưởng nhớ công lao của một người phụ nữ đã giành cả cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng, đã đặt những viên gạch đầu tiên cho phong trào cách mạng thành phố. Sau khi bà mất (1984), UBND TP Hồ Chí Minh quyết định có một con đường mang tên bà – Đường Mai Thị Lựu, nằm trên đia bàn phường Đakao, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Trên con đường này có chùa Phước Hải (Điện Ngọc Hoàng) số 73 nơi đã ghi dấu ẩn tổng thống Mỹ OBAMA ngày 1/6/2017 đến thăm trong lần đầu tiên đến Việt Nam. Khi tiếng chuông chùa ngân lên chúng ta lại tưởng nhớ đến cuộc đời của một người phụ nữ dám chấp nhận KHÔNG CÓ GÌ CHO RIÊNG MÌNH để thế hệ cháu con có tất cả: Độc Lập, Tự Do và Hạnh Phúc! Không riêng gì tôi, những người con xứ Nghệ mỗi lần có dịp đến đây đều tự hào về người phụ nữ, anh hùng, liệt sỹ quê hương được chính quyền và nhân dân thành phố mang tên Bác được mang tên một đường phố lớn ở trung tâm quận 1.

Bà Mai Thị Lựu

Thiết nghĩ trên quê hương của bà nếu có được con đường mang tên bà Mai Thị Lựu ở Thành phố Vinh anh hùng và Thị xã Cửa Lò nơi chôn nhau cắt rốn của người phụ nữ suốt đời hy sinh phấn đấu cho độc lập tự do của Tổ quốc, là xứng đáng và thật ý nghĩa vô cùng, để con cháu chúng ta biết sự hy sinh của thế hệ đi trước mới có được giá trị cuộc sống hôm nay, để xác định mình phải làm gì cho Tổ quốc!

Trần Đình Thọ