Chồng có được chuyển hết tài sản cho vợ?

Quy định về việc chuyển nhượng tài sản vợ chồng

Bản in

Chồng có được chuyển hết tài sản cho vợ?

style=”text-align:center”>

Câu hỏi:

Anh ấy chuyển hết tài sản cho vợ mới rồi nói với vợ cũ rằng không còn khả năng tài chính để cấp dưỡng nuôi con theo quyết định của toà.

Chúng tôi ly hôn, các con ở với tôi nên chồng cũ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con theo quyết định của tòa án. Hiện anh ấy đã tái hôn, thoả thuận chuyển giao toàn bộ tài sản của mình cho cô ấy rồi nói với tôi rằng không còn khả năng cấp dưỡng nữa.
Xin hỏi thỏa thuận giữa chồng cũ của tôi và người vợ mới có trái quy định của pháp luật không?

Luật sư trả lời:

Theo quy định tại Điều 50 Luật hôn nhân và gia đình 2014:

“1. Thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị tòa án tuyên bố vô hiệu khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Không tuân thủ điều kiện có hiệu lực của giao dịch được quy định tại Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan;

b) Vi phạm một trong các quy định tại các điều 29, 30, 31 và 32 của Luật này;

c) Nội dung của thỏa thuận vi phạm nghiêm trọng quyền được cấp dưỡng, quyền được thừa kế và quyền, lợi ích hợp pháp khác của cha, mẹ, con và thành viên khác của gia đình.

2. Tòa án nhân dân tối cao chủ trì phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp hướng dẫn khoản 1 Điều này”.
Nội dung này được hướng dẫn chi tiết tại Điều 6 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 06/1/2016 (sẽ có hiệu lực từ ngày 1/3/2016) như sau:

“1. Thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng có thể bị tòa án tuyên bố vô hiệu toàn bộ hoặc vô hiệu một phần.

a) Trường hợp thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị tòa án tuyên bố vô hiệu toàn bộ thì chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định được áp dụng.

b) Trường hợp thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị tuyên bố vô hiệu một phần thì các nội dung không bị vô hiệu vẫn được áp dụng; đối với phần nội dung bị vô hiệu thì các quy định tương ứng về chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định được áp dụng.

2. Tòa án quyết định tuyên bố thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị vô hiệu khi thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 50 của Luật hôn nhân và gia đình và lưu ý một số trường hợp sau đây:

a) Thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị vô hiệu do vi phạm quyền được bảo đảm chỗ ở của vợ, chồng quy định tại Điều 31 và điểm b khoản 1 Điều 50 của Luật hôn nhân và gia đình là trường hợp thỏa thuận đó cho phép một bên được quyền định đoạt nhà ở là nơi ở duy nhất của vợ chồng dẫn đến vợ, chồng không có chỗ ở hoặc không bảo đảm chỗ ở tối thiểu về diện tích, điều kiện sinh hoạt, an toàn, vệ sinh môi trường theo quy định của pháp luật về nhà ở.

b) Nội dung của thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị vô hiệu do vi phạm nghiêm trọng quyền được cấp dưỡng, quyền được thừa kế và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của cha, mẹ, con và các thành viên khác của gia đình quy định tại điểm c khoản 1 Điều 50 của Luật hôn nhân và gia đình là trường hợp thỏa thuận đó nhằm trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng quy định từ Điều 110 đến Điều 115 của Luật hôn nhân và gia đình hoặc để tước bỏ quyền thừa kế của những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc theo quy định của Bộ luật dân sự hoặc vi phạm các quyền, lợi ích hợp pháp của cha, mẹ, con và các thành viên khác của gia đình đã được Luật hôn nhân và gia đình và pháp luật khác có liên quan quy định”.

Đối chiếu các quy định vừa trích dẫn ở trên với trường hợp của bạn, do chồng cũ của bạn đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng đối với con chung của hai bạn theo quyết định của tòa án nên việc anh ta thỏa thuận với người vợ mới sẽ chuyển giao toàn bộ tài sản của mình cho người vợ mới và sau đó thông báo với bạn rằng anh ta không còn tài sản để cấp dưỡng cho con là hành vi xâm phạm nghiêm trọng quyền được cấp dưỡng của các con bạn. Vì vậy, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các con của mình, bạn có thể yêu cầu tòa án tuyên bố vô hiệu thỏa thuận về chế độ tài sản của chồng cũ của bạn và người vợ mới.