Cây chuối non đi giày xanh

Cây chuối non đi giày xanh

Cây chuối non đi giày xanh – Nguyễn Nhật Ánh

Khi nhắc đến nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, có lẽ bạn trẻ nào cũng từng biết đến ít nhiều những quyển sách hay, mang đậm ý nghĩa đằng sau mỗi câu chuyện của ông. Lối văn giản dị, đời thường, hóm hỉnh, dẫn dắt người đọc lôi cuốn vào từng câu chuyện như thể mình chính là nhân vật, trải qua tất cả những sự việc, hoàn cảnh mà cuốn sách vẽ nên, với những cảm xúc chân thực nhất.

Điểm nhấn trong các tác phẩm của ông hiện nay, có thể nói chính là truyện dài “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, tác phẩm này mang đến cho Nguyễn Nhật Ánh, giải thưởng văn chương ASEAN. Và truyện dài này đã được chuyển thể thành phim vào năm 2015, bởi đạo diễn Victor Vũ. Bên cạnh đó, Mắt biếc cũng được chuyển thể thành phim, dự kiến phát hành trong tháng 12 này. Ngoài ra, các ấn phẩm khác cũng thu hút nhiều quan tâm của đọc giả trẻ như Làm bạn với bầu trời, Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng, Đảo Mộng Mơ,…

Không dừng lại ở những tác phẩm nổi trội vừa qua, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh lại tiếp tục cho ra tác phẩm mới, gây chú ý đến cộng đồng các đọc giả trẻ. “Cây chuối non đi giày xanh” được xuất bản vào năm 2018, được đọc giả đón nhận và yêu thích bởi cốt truyện giản dị, đời thường cùng lối văn quen thuộc dí dỏm, hóm hỉnh nhưng cũng không kém phần ấm áp, nhẹ nhàng và sâu lắng.

Tương tự những quyển truyện trước đây, Nguyễn Nhật Ánh mang đến cho đọc giả câu chuyện về lứa tuổi học trò hồn nhiên. Gợi lại những ký ức về thời học sinh ngây ngô, những tháng ngày cùng bạn bè, thầy cô bên sách vở đến đọc giả.

Nhân vật chính trong tác phẩm cũng chính là người kể lại toàn bộ câu chuyện của mình từ thời bé cho đến lúc trưởng thành, chứng kiến, cảm nhận mọi thứ xung quanh diễn ra trong cuộc sống của mình. Hình ảnh làng quê hiện lên với những khung cảnh bình dị, đẹp đẽ và bình yên, nó như tái hiện khung cảnh xưa, không giống như thành phố xa hoa, bộn bề như hiện tại.

Thời còn cắp sách đến trường, tình cảm bạn bè thầy cô luôn gắn bó với mỗi người. Những ngày đi học, bọn trẻ cứ hay trêu đùa nhau, chơi những trò nghịch ngợm, phá phách. Bạn bè thân đến nỗi cũng có lúc cãi vã, thậm chí còn có thể đánh nhau vỡ đầu, nhưng nếu như chỉ cần một người gặp phải khó khăn thì những người bạn còn lại vẫn sẵn sàng đứng ra giúp đỡ, bảo vệ. Bạn bè thuở học trò là thế, đơn giản, bình dị không có những tính toán thiệt thòi, hơn thua với nhau.

Bên cạnh tình cảm bạn bè thông thường, chắc hẳn mỗi ai cũng phải một lần rung động với tình cảm ngây ngô, chân thành và trong sáng. Vì con tim loạn nhịp khi gặp ai đó, khiến cho lý trí làm những điều để đối phương thấy thích, thì bản thân họ cũng thấy vui vẻ, hạnh phúc. Tựa đề “Cây chuối non đi giày xanh” bắt nguồn từ hành động dễ thương của nhân vật trong truyện. Chỉ vì một câu nói vu vơ của chàng trai (Đăng) rằng mình thích màu xanh lá, thế là cô gái (Thắm) quyết định biến mình thành màu xanh lá từ cả đôi giày, cho đến bộ quần áo và cả chiếc mũ đội trên đầu. Giống như câu nói “Yêu ai yêu cả đường đi”, tình cảm của cô gái nhỏ dễ thương, hồn nhiên nhưng lại vô cùng chân thực.

Cùng viết về tình yêu bắt nguồn từ tình bạn, nhưng “Cây chuối non đi giày xanh” mang đến cho đọc giả trẻ, đặc biệt là lứa tuổi học trò một tình cảm nhẹ nhàng và trong sáng hơn so với tác phẩm “Ngày xưa có một chuyện tình”. Đằng sau những hình ảnh bình dị chốn làng quê bình dị, quyển sách còn ẩn ý đến đọc giả nhiều bài học có ý nghĩa trong cuộc sống.

Đừng vì những cảm xúc nhất thời của bản thân mà vô cớ giận hờn, có những suy nghĩ không tốt với những người xung quanh mình. Đặc biệt là bạn bè, người thân và người thương của mình. Bởi lẽ, khi ấy những biểu hiện yêu thương không còn nữa thay vào đó là những suy nghĩ tiêu cực, giận hờn, căm ghét và sự lạnh nhạt. Lâu dần nó trở thành thói quen, khiến cho bản thân không còn những yêu thương với họ nữa. Khi gặp một vấn đề nào đó trong mối quan hệ bạn bè, người thân hay tình cảm cần phải suy nghĩ tích cực về những kỷ niệm gắn bó với họ, đừng vì một vết sẹo nhỏ mà đánh mất đi tình cảm gắn bó dài lâu từ trước.

Cây chuối non đi giày xanh tái hiện lên hình ảnh cuộc sống cam chịu của những người phụ nữ, làm mẹ, làm vợ trong gia đình và những nguyên tắc lối sống dạy con cái của các gia đình thời xưa. Con cái làm sai, chịu những trận đòn roi từ người cha, người mẹ vì thương con, sẵn sàng chịu mọi khổ đau vì con.

Dưới ngòi bút của Nguyễn Nhật Ánh, ông còn khéo léo nhắc đến những bí mật của người lớn mà trẻ con không thể biết được. Lúc nhỏ, trẻ con chỉ có thể nhận thấy những vẻ ngoài của những người xung quanh, khó hiểu được những câu chuyện đằng sau vẻ ngoài đó. Sự giấu diếm cứ chồng lắp nhau, đằng sau một câu chuyện, lại có thể ấn chứa những câu chuyện khác, nhằm che đậy cho những gì câu chuyện liên quan trước đó.

Câu chuyện dừng lại với một kết thúc êm thấm từ hai nhân vật chính. Không như những tác phẩm khác, tình cảm của nhân vật chỉ đơn giản là tình cảm đơn phương từ một phía, trong Cây chuối non đi giày xanh lại đem đến cho đọc giả kết thúc đẹp giữa Thắm và Đăng. Từ nhỏ cả hai có tình bạn thân thiết, tưởng chừng chỉ có Đăng thầm có tình cảm với Thắm, thế nhưng khi biết được cậu bạn thích màu xanh lá, Thắm bắt đầu thể hiện tình cảm của mình bằng cách xin mẹ mua cho đôi giày xanh, bộ quần áo xanh và cả chiếc mũ xanh để diện cho Đăng xem. Mặc dù, những cấm cản ngăn cách đôi bạn nhỏ từ cha của Thắm khá quyết liệt, nhưng sau cùng, Nguyễn Nhật Ánh cũng kết thúc câu chuyện với cái kết mà người đọc giả nào cũng mong muốn cho đôi bạn nhỏ Thắm – Đăng.

Mặc dù, Cây chuối non đi giày xanh thuộc thể loại truyện, tiểu thuyết dành cho lứa tuổi học trò, nhưng với những người trưởng thành, qua đây cũng phần nào gợi lại những ký ức đẹp khó quên thời học trò, với những tình cảm đầu đời, chóm nở, trong sáng và hồn nhiên. Chắc hẳn, ai cũng sẽ vài lần bật cười hay rơm rớm nước mắt khi nhớ về những kỷ niệm mà mình đã đi qua.